Friday, 19 February 2010
Có một người Việt Nam xây dựng Tử Cấm Thành
(Tử Cấm Thành nhìn từ đỉnh Jingshan)
Lúc mình viết bài về Tử Cấm Thành để nộp mới phát hiện ra ông Nguyễn An. Mình bèn viết trong bài báo cáo cho cô rằng có một người VN xây Tử Cấm Thành. Cô cũng ngạc nhiên bèn đọc một đoạn mình viết cho cả lớp nghe.
Trích dưới đây là bài của ba viết, không phải của mình, cho đầy đủ tư liệu hơn:
NGUYỄN AN, NGƯỜI VIỆT NAM CÓ CÔNG LỚN TRONG VIỆC XÂY DỰNG BẮC KINH
Cố Cung còn gọi là Tử Cấm Thành, là một công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, tọa lạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Khách du lịch quốc tế không ngớt tới đó thăm viếng, trầm trồ khen ngợi, nhưng ít ai biết rằng công trình đó có sự đóng góp quan trọng của một người Việt Nam vào thời nhà Minh, đó là Nguyễn An.
Một số bài báo và sách vở của Trung Quốc và Đài Loan cung cấp tư liệu cho chúng ta về Nguyễn An như : “Dân chúng Bắc Bình nên kỷ niệm thái giám Nguyễn An, người An Nam” đăng trên tuần san sử địa Cái Thế, xuất bản ngày 11-11-1947 tại Thiên Tân. “Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài xây dựng Đại Bắc Kinh” đăng trên nhật báo Tiến Bộ ngày 2-2-1950 tại Thiên Tân. “Sự đóng góp cho Trung Quốc của người Giao Chỉ đời Minh” trích trong tạp chí Học nguyên của Hồng Công và sau này được đưa vào sách “Minh sử luận tùng” xuất bản tại Đài Loan.
Do đâu Nguyễn An tới Bắc Kinh ? Năm 1407, Trương Phụ, tướng của nhà Minh đem quân sang nước ta, lúc đó gọi là An Nam, với danh nghĩa giúp nhà Trần đánh nhà Hồ, bắt được cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương giải về Trung Quốc (Hồ Quý Ly bị an trí ở Quảng Tây, còn Hồ Hán Thương nhờ giỏi về binh khí, được cho làm quan, năm 1445 thăng đến chức Công Bộ thị lang, tương đương Thứ trưởng Bộ Công nghiệp ngày nay). Theo lệnh của Minh Thành Tổ, Trương Phụ khôi phục lại tên Giao Chỉ như đời Hán, và tuyển chọn nhân tài có học vấn 9000 người, cùng với 7700 nghệ nhân đưa về Trung Quốc để xây dựng kinh đô, ngoài ra còn chọn một số thanh thiếu niên thông minh, tuấn tú, đưa về Nam Kinh đào tạo thành thái giám để phục vụ trong cung, trong số đó có một vài người tài giỏi, nổi bật là : Phạm Hoành, Vương Cẩn và Nguyễn An. Đó là duyên cớ khiến Nguyễn An đến triều đình nhà Minh, thân cận với hoàng đế Minh triều và được tin dùng nhờ kiến thức và tài năng siêu việt. Thái giám người Giao Chỉ là một thế lực đáng kể tại triều đình nhà Minh, Phạm Hoành là người chủ trì việc xây dựng ngôi chùa lớn Vĩnh An Tự ở tây nam Bắc Kinh với kinh phí 70 vạn lạng bạc. Vương Cẩn (còn có tên Trần Vũ) là thái giám giả bị phát hiện nhưng vua miễn tội chết, còn ban cho cung nữ và nhiều vàng bạc. Nguyễn An được các vua Thành Tổ, Anh Tông tin dùng, giao cho trọng trách tiếp nối các công trình xây dựng Bắc Kinh. Để hiểu hơn về công việc của Nguyễn An, ta điểm qua một chút về sử đời Minh. Năm 1368 Chu Nguyên Chương diệt nhà Nguyên, lên ngôi hiệu là Minh Thái Tổ, đóng đô ở Kim Lăng (nay là Nam Kinh). Minh Thái Tổ băng, thái tử mất sớm, thái tôn (cháu đích tôn) lên ngôi hiệu là Huệ đế, năm 1399 bị Yên vương Chu Lệ là con thứ của Chu Nguyên Chương cướp ngôi, Chu Lệ lấy hiệu là Minh Thành Tổ, năm 1421 dời đô về Bắc Bình là kinh đô cũ của nhà Nguyên, đổi tên là Bắc Kinh, rồi giao Nguyễn An trông coi việc kiến thiết đô thành. Sách “Kỷ niên lịch sử Bắc Kinh” chép rằng đời vua Minh Anh Tông có hạ lệnh cho thái giám Nguyễn An xây dựng chín cửa thành lầu Bắc Kinh và làm đốc công xây dựng tường thành Bắc Kinh. Sách “Thủy Đông nhật ký” của Diệp Thịnh đời Minh ghi rằng :” Nguyễn An, cũng gọi là Á Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc. Trong các công trình xây dựng thành trì Bắc Kinh và chín cửa thành lầu, hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ ở Bắc Kinh và nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương, đều có nhiều công lao to lớn. Các nhân viên thuộc hạ của Nguyễn An ở Bộ Công chẳng qua chỉ là những người thừa hành phận sự, thực hiện những công trình do Nguyễn An quy hoạch, thiết kế ra đó thôi." Trong 9 cửa thành lầu nói trên, ngày nay còn tồn tại cửa Chính dương còn gọi là Tiền môn ở phía nam quảng trường Thiên An môn.
Còn 2 cung, 3 điện là một quần thể kiến trúc to lớn của Cố Cung Bắc Kinh. Hai cung là Càn Thanh cung và Khôn Ninh cung. Ba điện là Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân xây lần đầu hoàn thành năm 1420 (đời Minh Thành Tổ) nhưng qua năm sau bị sét đánh cháy rụi. Mãi 20 năm sau, đến đời vua Anh Tông (niên hiệu Chính Thống) mới sai Nguyễn An thiết kế xây dựng lại. Sách “Chính Thống thực lục” ghi : "Ngày 10 tháng 2 năm Chính Thống thứ 6 (1441), hai cung, ba điện xây dựng hoàn thành, nhà vua ban thưởng cho Thái giám Nguyễn An và Tăng Bảo mỗi người 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa, 1 vạn quan tiền”. (Ba điện này đến năm 1557 bị cháy một lần nữa, thiệt hại nặng nề, đời Gia Tĩnh thứ 38 (1559) được khởi công xây dựng lại, 3 năm sau hoàn thành, đến1645 _đời Thuận Trị năm thứ 2 nhà Thanh_ được đổi tên thành điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa như ngày nay). Tháng 4 năm sau (1442), vua Anh Tông ra lệnh cho đội quân xây dựng của Nguyễn An gồm 7 vạn quan binh, thợ thủ công tiếp tục xây phủ Tôn nhân, Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công, Hồng Lô Tự, Khâm Thiên Giám, Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám)...Trong các công trình này, nay còn lại Quốc Học tức là Thư viện thủ đô Bắc Kinh ngày nay. Năm Cảnh Thái thứ 7 (1456) đời Cảnh đế, sông Hoàng Hà tại vùng Trương Thu, Sơn Ðông, bị vỡ đê, triều đình lại cử Nguyễn An đi trị thủy, không may ông bị bệnh mất trên đường công tác. Mặc dù giữ cương vị quan trọng, công lao to lớn, nhưng ông sống thanh bạch, khi mất trong nhà không có tới 10 lạng bạc, tài năng và phẩm hạnh thanh cao của ông khiến người đương thời rất khâm phục và cảm mến.
Thiếu Bình ( Theo Minh sử, TQ sử lược )
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment