Monday 12 November 2012

Siêu thực

Trong các nhà văn có lẽ Haruki Murakami là siêu thực hơn hết thảy.  Tôi nghĩ vậy dù tôi chưa có đọc nhiều thể loại này, chỉ vài cuốn của ông và vài cuốn của ai đó tình cờ vơ được.  Sau khi đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, rồi Kafka bên bờ biển, và 1Q84, tôi bắt đầu nhận ra cách viết của ông trong ba cuốn này hơi giống nhau.  Chắc lần sau không cần nói tên tác giả chỉ cần đọc truyện tôi có thể nhận ra ông.

Người ta khen ông nhiều, tôi mà đi chê ông hóa ra tôi không biết thưởng thức tác phẩm, "trình độ chưa tới" chắc?  Kệ, tác phẩm của ông dày công dẫn dắt và gầy dựng, mở ra bao nhiêu cái quái lạ siêu thực, thường rất lôi cuốn rất hấp dẫn.  Nhưng cái kết thường thiếu thiếu, tôi thấy vậy.  Đành rằng nó là siêu thực, không ai chờ đợi ông huỵch toẹt cái kết kiểu truyện trinh thám, nhưng mà có vài chi tiết hơi rườm rà lửng lơ chả ăn nhập gì.  Nhưng bội phục cái óc tưởng tượng của ông.

Đây là trọn bộ 1Q84 chồng mua cho năm ngoái lúc nó mới phát hành còn nóng hổi.  (tập ba không có chụp hình)



Không biết mình có nói quá không, có lẽ đọc Haruki Murakami siêu thực đến đây được rồi, bây giờ chuyển qua dòng hiện thực một thời gian thôi, kiểu như Kitchen của Banana Yoshimoto.

Văn học của Nhật thường buồn chăng?  Mênh mông một nỗi buồn.






Friday 10 August 2012

The Shawshank Redemption

The Shawshank Redemption là một bộ phim rất hay, một trong những phim đáng xem nhất trong đời.

Cảnh báo: đừng đọc bài dưới đây trước khi xem phim... 
_______

Phim nói về một "banker" tên Andy bị tù chung thân do tội giết vợ mặc dù anh vô tội. Andy trải qua gần 20 năm trong nhà tù trước khi cảm thấy "enough is enough" và vượt ngục bằng một đường hầm cũng mất chừng đó năm để đào. Trong phim có Red, người ở tù hết 40 năm trước khi được thả, và Brook, người trải qua hầu hết cả cuộc đời trong tù, đến già mới được ra tù, và không thể thích ứng được với cuộc sống tự do bên ngoài, cuối cùng ra tù không bao lâu thì ông tự tử chết.

Bộ phim là một sự tổng kết về cuộc đời. Cuộc đời có bao nhiêu chuyện bất bình. "Shit happens". "Sometimes life shits on you". Nhà tù là một xã hội thu nhỏ. Trong đó có cái đẹp, cái thiện và đầy rẫy cái ác. Những người đại diện cho công lý hóa ra còn ác hơn cả tội phạm. Đó chính là cuộc đời.

20 năm dài như thế nào trong đời một con người? 20 năm là một phần ba cuộc đời. Nếu tính 1/3 ở khúc giữa thì người ta làm được biết bao nhiêu điều trong chừng đó năm: học tập, tốt nghiệp, trưởng thành, đi làm, kết hôn, sinh con, nuôi nấng con khôn lớn, đi du lịch, xây nhà, làm từ thiện... đại khái là SỐNG một cuộc đời.

20 năm đi tù, nếu cũng tính 1/3 ở khúc giữa cuộc đời (vì ít nhất người thành niên mới phạm trọng tội) thì 20 năm là mỗi ngày qua mỗi ngày trong bốn bức tường. 20 năm Ở TÙ có lẽ dài hơn 80 năm SỐNG một cuộc đời.

Còn 20 năm tù OAN UỔNG thì dài như thế nào. Dài dằng dặc, dằng dặc... Trong 20 năm đó, Andy nghĩ gì mỗi đêm, mỗi ngày?

Red vào tù lúc còn là thanh niên trai trẻ, 40 năm sau mới được thả ra lúc tóc bạc da nhăn.  Bên ngoài xã hội trong 40 năm có biết bao nhiêu biến đổi, người ta đã phát minh ra không biết bao nhiêu thứ kỳ vĩ.  Người tù trải qua 40 năm trong trại tù, mỗi ngày, mỗi ngày chỉ đối diện với chính mình.  Chao ôi, dù Red có phạm tội gì đi nữa, 40 năm đã quá đủ để bồi đền.

Bộ phim cứ khiến tôi nghĩ mãi về cuộc đời.  Tất cả đều là nhân duyên, đều là nghiệp, "redemption".  Bộ phim cũng nói về hy vọng, về tình bạn, về thông điệp "đời mãi mãi không công bằng".

Nếu bạn kiên nhẫn đọc hết những dòng trên rồi, nghĩa là bạn đã xem phim rồi. 

Life is beyond redemption?

Tuesday 21 February 2012

Quán rượu đầu làng

Tôi nhớ hồi đó có lần đi một mình đến Peak District chơi.  Peak District là một khu vực bảo tồn, công viên quốc gia ở Midland của Anh.  Nơi đó hết sức rộng lớn, nó chỉ không nổi tiếng bằng Lake District vì không có nhiều hồ thôi.  Khu vực đó dân cư rất thưa thớt, ngay cả điện thoại di động còn hầu như không có sóng trong khu vực đó, nó đúng là ở "middle of nowhere".  Tôi lì lắm, một mình đến cái youth hostel trong khu vực đó, ở bụi, ngủ giường tầng.  Một khi taxi đã thả tôi xuống đó thì tôi như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.  Điện thoại di động không sóng, cái nhà người ta gần nhất cũng phải hai dặm đường.  Lúc đó là nhân dịp đi công tác ở Sheffield, một thành phố gần đó, hai ngày cuối tuần làm biếng về London nên tôi mới tót xuống Peak District chơi.  Cho nên ban ngày bận quần áo bảnh bao đi làm, chân đâu có mang giày thể thao.  Tối đến đó rồi lục đồ mới té ngửa, có giày thể thao mà quên đem vớ.   Mà cái tiệm tạp hóa gần nhất cũng phải lội núi 4-5 dặm đường.  Cũng chưa chắc là nó có bán nữa chứ.  Thế là cái hostel phải gọi điện cho anh tour guide ngày mai có đến mang theo đôi vớ sạch (của ảnh) cho tôi.  (Ban đầu tôi quê quá chừng, ai đời đi tour hiking giữa rừng núi mà phải mượn vớ của người khác?  Sau tôi kệ, miệng cười mặt dày, tiền tour đâu có rẻ, đương nhiên khách hàng là thượng đế, phải phục vụ tận ... chân chứ).

Tôi đăng kí cái tour hiking 2 ngày.  Bữa đầu chúng tôi "hike" hết hơn 12 dặm đường núi, tức là gần 20km.  Mà như cái tên đã nói, Peak District toàn là peak không hà, cứ đi lên đi xuống hết đỉnh này qua đỉnh nọ, chứ đâu có được 12 dặm đường thẳng thớm đâu.  Dễ lạc như chơi, người ta ít người dám đi một mình.  Tour guide của chúng tôi phải còng lưng mang cái lều (xếp gọn trong ba lô) và hộp first aid to.  Bởi vì giữa nơi núi đồi trống trải, giữa mùa hè mà trời rất lạnh, chỉ cần trời mưa xuống nhiệt độ lập tức xuống thấp như mùa đông.  Cho nên phải có lều để trú mưa, nếu để ướt mình là dễ bị hypothermia như chơi.  (Dù trước đó mỗi người đã được phát một bộ đồ chống thấm bận thêm bên ngoài).  Giữa núi đồi như vậy, lỡ có trẹo xương gãy chân cũng không có sóng để gọi cấp cứu, toàn bộ chỉ có thể tự lực cánh sinh. 

Một ngày rã rời chân cẳng, vậy mà tối đó, như thể chưa đã, về đến hostel tắm rửa ăn cơm xong, cả đám lại nổi hứng lên muốn đi ra "quán rượu đầu làng" uống vài ly cho vui.  Thế là tiếp tục băng đồng lên xuống thêm chắc hai dặm đường nữa mới đến được cái pub duy nhất trong làng.  Mà trong đêm tối giữa núi rừng đìu hiu mông quạnh, đi mãi, đi mãi, cuối cùng thấy được cái quán nhỏ ấm áp đèn tỏa sáng trong đêm, nơi có người, cái cảm giác đó mới ấm cúng làm sao.  Mới biết vì sao người ta sẵn sàng băng đồng đi một quãng đường xa như vậy chỉ để uống một hai ly.

Từ đó, tôi đâm ra yêu cái "quán rượu đầu làng".

(Hôm sau chúng tôi lại lội núi thêm khoảng hơn mười dặm nữa.  Khỏi nói cũng biết chân cẳng tôi nhừ tử tới mức nào.  Sau lần đó, tôi quyết định mình "hiking" trong vùng Peak District như vậy là đủ đại diện cho cả nước Anh rồi.  Lúc tôi đi chơi Lake District tôi kiên quyết thuê xe chạy lòng vòng, không "hike" hiếc gì nữa).

Trở lại chuyện "quán rượu đầu làng" - Tôi thích dịch "pub" là quán rượu (pub viết tắt của public houses) vì tôi trót cảm cái cụm từ "quán rượu đầu làng" mất rồi.  Nghe nó thơ thơ làm sao, mà lúc nói "quán rượu đầu làng" trong đầu tôi không có hình ảnh của cái làng quê Việt Nam, mà là làng ở Anh ấy, quán rượu lúc nào cũng xuất hiện đầy trong các tác phẩm văn chương cổ điển kìa, ví dụ như "quán rượu Cối Xay Gió" chẳng hạn.

Văn hóa "pub" là một thứ văn hóa hết sức Anh, không nhầm đi đâu được.  Nhìn một cái pub ta biết ngay là nó, vì quán thường sơn đen hoặc xanh dương đậm, bên ngoài treo lủng lẳng đầy hoa rất đẹp.  Quán rượu luôn có những cái tên đặc trưng.  Kinh điển nhất là The Crown, Red Lion, White Hart, Kings Head, Nag's Head, the Red herring, Royal Oak, Swan, White Horse, etc nếu bạn google map những cái tên này, bạn sẽ thấy nó xuất hiện nhan nhản đầy khắp thị thành làng mạc ở Anh. 



Nhà ai ai trong bán kính một dặm nhất định có một cái quán như thế.  Văn phòng công sở trong bán kính nửa dặm nhất định có ít nhất một tá không ít hơn.  Giàu nghèo sang hèn gì cũng ra pub cả.  Bạn bè gặp nhau - ra pub.  Sinh nhật, tăng lương, lên chức - ra pub.  Sau giờ làm việc đồng nghiệp lâu lâu rủ nhau ra pub.  Công ty sự kiện lớn nhỏ gì ít nhất cũng tổ chức ở pub mỗi năm mấy lần, vv và vv.  Uống nhiều ít gì thì khoan bàn tới, nhưng pub là một cái gì đó không thể thiếu được trong văn hóa của người Anh.  Người Anh duy nhất không ra pub có lẽ chỉ có ... chồng tôi.  Cho nên nếu văn phòng công ty mà không ở gần cái pub nào chắc là buồn chết (nói vậy thôi chứ làm gì có, tôi hồi làm nghề kiểm toán đi khắp các công ty đây đó mà cũng chưa từng thấy qua công ty nào không có mấy cái quán rượu ăn theo gần đó).

Năm đó tôi mới qua Anh, ngày sinh nhật 26 tuổi chỉ có một người ở Anh biết.  Mà người đó lúc đó không có ở London.  Cho nên tối đó tôi ở nhà cơm nước xong, đang nói chuyện tào lao với anh bạn Marcus cùng nhà, tôi nhân tiện nói hôm đó là sinh nhật của tôi.  Thế là anh nhất định kéo tôi ra cái pub "local" gần đó, cách nhà mấy trăm mét (thấy chưa) để uống vài ly, nói chuyện dông dài.  Vậy là sinh nhật đầu tiên của tôi ở Anh diễn ra ở một cái pub nhỏ hình như tên là The Cubbit Arms...  (Marcus bây giờ lưu lạc ở đâu nhỉ?)

Có lúc tôi nghĩ, khi nào về hưu, đến một miền biển nhỏ của Anh, mở một cái B&B chừng chục phòng trở lại, thêm cái pub nho nhỏ ấm cúng, hoa thơm lủng lẳng treo đầy, tuổi già thanh thản chắc là vui.





Quán rượu đầu làng một đêm không trăng ở Peak District đó - những ai đi có còn nhớ không?