Saturday 21 August 2010

Cô đơn

Hôm nay tình cờ tôi lục lọi lại những cái mình đã viết, thấy có mấy mẩu dở dang này, viết ngay sau khi đọc Never let me go của Kazuo Ishiguro.  Để lên đây để nhớ về bạn ...

----------

Một trong những cái đáng sợ nhất trên đời này là sự cô đơn.

Có người, vì cô đơn mà phát điên. Có người, vì cô đơn mà làm xấn xổ làm chuyện dại dột. Có người, vì cô đơn, vì chỉ muốn người khác chú ý đến mình, nên cố tình phạm tội. Dù sao đi nữa, đó là hành động phản kháng. Nhưng đáng thương nhất, là khi người ta không thiết phản kháng nữa, người ta âm thầm chấp nhận nó, cảm giác đã chai lỳ, họ coi sự cô đơn bủa vây như một lẽ dĩ nhiên nhất trên đời.

Đôi khi giữa biển người tôi thấy mình cô đơn đến lạ. Giữa những ồn ào náo nhiệt của buổi tiệc, giữa câu chuyện xã giao của những người quen biết chung quanh, tôi thấy mình lạc lõng và cô đơn.

Đôi khi, vì một quyển sách mới đọc xong ban chiều, tôi mang cô đơn đi vào trong giấc ngủ của mình.

Bạn tôi, hơn ai hết, hiểu rõ cô đơn là như thế nào, khi bạn không có đến một người bạn để tâm sự hay chia sẻ buồn vui. Bạn tôi, lớn lên khi vết sẹo tâm hồn đã hằn sâu theo năm tháng. Nỗi cô đơn của bạn không ai có thể chia sẻ được, cũng như nỗi cô đơn của tôi, đến giờ tôi vẫn canh cánh ôm.

Đêm qua, tôi đọc xong cuốn “Never let me go” của Kazuo Ishiguro. Tôi ước gì mình có một người bạn như Tommy. Bạn tôi chẳng phải là Tommy đó sao? ...

(viết dang dở ngày 17/6/2010, 1:30am)
-------------

Lúc đó tôi viết đến đây thì ngưng, chắc tại buồn ngủ quá.  Sau không trở lại nữa.  Tóm lại cô đơn là cô đơn, thế thôi.  Màu mè vẽ vời dài dòng làm gì?  Tommy của tôi vẫn cô đơn.  Kathy của Tommy vẫn cô đơn.  Hết.

Văn chương ... rởm

Tôi chưa bao giờ nghiên cứu văn chương một cách nghiêm túc.  Đọc toàn là đọc những thứ tình cờ từ đâu rơi xuống.  Loại gì cũng đọc, truyện Tàu truyện Tây, từ Hồng Lâu Mộng cho đến Vòng Quanh Thế Giới Trong 80 Ngày, từ thơ Đường cho tới Nửa Chừng Xuân, hay mấy cái tạp chí xuất bản từ những bốn năm chục năm về trước.  Đại khái là tạp bí lù.

Ví dụ như hôm kia đang đi lơn tơn trên đường, tôi bắt gặp cái này ngồi chễm chệ trên một cái tay dựa của băng ghế gỗ trên đường hoang vắng, bị ai đó cố tình bỏ rơi:


Nhìn nó rất khiêu khích.  Một cuốn truyện dày, bìa đen hình đỏ, Những Người Yêu Nhau (mà còn có thòng lọng nữa chứ).  Tôi đã đi khỏi đó chừng mươi bước, nó vẫn còn lởn vởn trong óc tôi.  Tôi bèn quay lại, nhặt nó lên, nhìn nhìn, chung quanh không có người nào khả dĩ có thể cho là chủ nhân cả.  Tôi bèn lau lau vài giọt nước mưa lất phất còn đọng lại trên bìa, bỏ tọt vào bị.  (Không thôi nó sẽ bị vào thùng rác kế bên trong chốc lát, uổng cả đời).

Sau hai đêm liên tục cộng một ít thời gian trên xe lửa trên đường đi làm, tôi đã nuốt trọn xong 474 trang của cuốn truyện này.  Nó hoá ra khá hấp dẫn, thể loại "Thriller", lại là của tác giả John Connolly, thuộc hàng bestseller nữa chứ.  Trước đây mấy ngày tôi đâu có biết ông John này là ai, bây giờ thì biết rồi.  Ông có một loạt truyện Thriller ở đây http://www.johnconnollybooks.com/ .  Cuốn này là một trong loạt truyện về nhân vật Charlie Parker.  Truyện hơi có nhiều máu chút, nhưng mà cũng hấp dẫn cho nên tôi có thể đọc một hơi.  Tôi lúc nào cũng thấy thích mình ở chỗ thể loại nào cũng xơi được cả, miễn là hay.  Cám ơn người nào đó đã bỏ cuốn truyện này lại trên băng ghế trên Đường của Vua (King's Road), gần đại sứ quán Đức, London buổi sáng mưa phùn ngày 17/8/10.  Tôi thật cảm ơn.  Tôi đem khoe cuốn truyện với mấy người đồng nghiệp, ai cũng cười, có người nói nhặt được cái gì gần đại sứ quán là phải coi chừng, nhỡ đâu là bom...

Xong cuốn này tôi thấy kiến thức văn chương của mình khá tệ, bèn nhất quyết phải củng cố nó lại cho có trật tự thể thống.  Tôi bèn xem danh sách của 10 tác phẩm hay nhất mọi thời đại:

1.  Anna Karenina by Leo Tolstoy
2.  Madame Bovary by Gustave Flaubert
3.  War and Peace by Leo Tolstoy
4.  Lolita by Vladimir Nabokov
5.  The Adventures of Huckleberry Finn by Mark Twain
6.  Hamlet by William Shakespeare
7.  The Great Gatsby F. Scott Fitzgerald
8.  In Search of Lost Time by Marcel Proust
9.  The Stories of Anton Chekhov by Anton Chekhov
10.  Middlemarch by George Eliot

Chết chửa, trong 10 cuốn này tôi chưa từng đọc cuốn nào cả.  Có phải là uổng cả đời người không?  Hồi xưa ở nhà Nội có cuốn Chiến Tranh Và Hoà Bình, mà tôi mấy lần giở tới giở lui thấy nó có vẻ dày cui không hấp dẫn lắm, cho nên cuối cùng chưa bao giờ đọc.  Hôm qua tôi bèn đem cái danh sách này xuống cái thư viện nhà (thư viện ở tầng trệt khu chung cư của tôi, to đẹp lắm nhé).  Ban đầu tôi định khởi đầu chiến dịch "xoá mù" này bằng cuốn Gatsby Vĩ Đại, vì cuốn này được nhắc tới nhắc lui trong "Rừng Na Uy" hoài.  Nhưng mà thư viện không có, tôi đã order, họ sẽ lục lọi đâu đó để mang về đây cho mình, chỉ cần đợi ít lâu.  Thôi tôi bèn khởi đầu với cuốn The Adventures of Huckleberry Finn vậy.  Thư viện ở đây thích thật.  Làm thẻ tốn có £1, có giá trị vĩnh viễn trong cả hệ thống thư viện toàn quốc, đọc đã đời, được phục vụ tận răng.  Mượn chỗ này mà trả ở chỗ khác cũng được.  (Lần trước tôi trả sách ở chỗ khác, cái máy bị hư hay sao ấy, nó scan sách mà trong thẻ không update, làm hại người ta tính tiền phạt trả sách lố thời hạn, tôi phải thanh minh một chút!)

Hồi thời đại học, cô bạn chung nhà - Ngọc - học khoa tiếng Anh với khá nhiều thứ liên quan đến văn học Anh, làm tôi phát thèm.  Tôi học Ngoại Thương khô còng với mấy cái mớ xuất xuất nhập nhập.  Nhưng mà tôi chưa bao giờ muốn tự nguyện đọc nguyên cả cuốn tiểu thuyết dày bằng tiếng Anh cả.  (Đọc không ... nổi.  Đọc tiếng Việt thích và nhanh hơn nhiều). 

Từ ngày đó đến hôm nay coi như đã qua một quãng đường dài.  Ngôn ngữ không còn là một trở ngại quá lớn, chỉ có văn chương là văn chương mà thôi.  Mặc dù sự thực là cảm nhận sẽ không sâu sắc bằng.  Chỉ có tính lười là trở ngại lớn thôi, trở ngại vĩnh viễn ...

Thôi tôi phải đi đọc Mark Twain đây.  Ông viết càng tu từ màu mè càng làm khổ đời tôi, tôi phải tra từ điển mệt cả người, nhiều khi tra xong một chữ quên mất cái từ nó nằm ở câu nào!  Thể loại Thriller đọc có vẻ dễ hơn chút chăng?

Hừm ... tất cả vì sự nghiệp (cảm thụ) văn chương ... rởm của đời tôi!

Sunday 15 August 2010

Đọc gì?

Bên này không có sách tiếng Việt, mua sách trên mạng từ các trang web VN ship qua đây thì rất lôi thôi và phiền phức (thương mại điện tử kém?), cho nên chỉ có thể đọc tiếng Anh:


Hai cuốn này đồng tác giả.  Tôi mua cuốn bên trái trước.  Đọc xong rất xúc động và thương cho những người phụ nữ Afghanistan xấu số, mới cảm thấy số phận mình may mắn biết bao nhiêu.  Sau đó sẵn trớn mua luôn cuốn bên phải, đọc xong cảm thấy sợ một số con người.  Tất cả những đau khổ bất hạnh, trừ thiên tai, đều có phải là do người gây ra cho người?  


Nhật ký Anne Frank tôi đọc lần đầu tiên là ở nhà cô Hai lúc còn nhỏ.  Lễ phục sinh năm 2009 tình cờ thấy cuốn sách này bán ở Gallions Reach, bèn mua về đọc lại.  Tôi vẫn còn nhớ như in những dòng miêu tả của Anne, chỉ khác là bây giờ đọc bằng tiếng Anh.  Cảm xúc vẫn vậy.  Lễ phục sinh năm 2007 tôi đi qua Amsterdam có thăm nhà của Anne Frank, giờ đã trở thành viện bảo tàng nhỏ.  Tiếc là những bức hình tôi chụp ngôi nhà đó đã bị mất, bạn cứ google sẽ thấy.  Kỳ lạ, ngày nhỏ tôi đọc sách, qua những trang miêu tả tôi mường tường ra những bức tường, những căn phòng ... Lớn lên, một ngày nọ, tôi có dịp nhìn tận mắt mình.  Dường như những điều ước của tôi đều trở thành sự thật chăng, một lúc nào đó trong cuộc đời?  Tôi vẫn còn nhớ ngày hôm đó, sau khi tham quan nhà Anne, tôi ngồi dưới gốc cây nhìn lên tán lá mới nhú ra mấy cái chồi non nhỏ, dường như nghe tiếng chim hót nữa.  Lễ phục sinh năm nào cũng vậy, là lúc tôi cảm thấy chỉ qua một đêm mà cây cối đều đâm chồi ra lá xanh non như có phép thần kỳ.  Anne ngày xưa lúc trốn tránh, ngày lễ phục sinh nhìn hé hé ra cây ngoài sân có cùng cảm giác như tôi không?  

Sau khi đọc cuốn này sẵn trớn tôi mua cuốn Night.  Cũng là một đứa bé, nhưng may mắn hơn Anne, cuối cùng nó sống sót ra khỏi được địa ngục ở trại tập trung.  Rất mỏng, mà rất, rất "powerful".  Ở Czech có một trại tập trung giờ thành viện bảo tàng, tôi tiếc lúc mình đi qua Czech đã không ghé thăm chỗ đó.  Một lúc nào đó tôi sẽ sang Ba Lan chỉ để nhìn tận mắt Auschwitz.


Cuốn bên trái cũng là tự truyện của một đứa bé trong nạn diệt chủng Pol Pot, nó cũng may mắn còn sống sót.  Tôi tiếc lúc ở Phnom Penh  cả tháng đã không đi thăm nhà tù Toul Sleng, giờ trở thành viện bảo tàng.  Lúc đó hai người đồng nghiệp không thích "xem đầu lâu xương sọ" nên họ không chịu đi, tôi cũng không dám đi một mình.  (Lúc đó ở Cambodia người ta ai cũng nói đi đường nhất là ra khỏi Phnom Penh phải cẩn thận, lớ mớ bọn dữ bắn cho bỏ mạng?! - tay anh chị ở Cambodia có súng hơi bị nhiều.  Tôi không biết thực hư tới đâu nhưng mà tình hình là vậy, hồi đó nhỏ ngây thơ lắm, nên 10 giờ đêm cũng không dám lang thang trên đường phố của Phnom Penh nữa).  

Cuốn bên phải là cuốn cuối cùng mới đọc gần đây nhất.  Đọc xong cảm giác lạ lắm.  Lạ và cô đơn.  Tôi thấy tác giả viết về Tommy và Kathy mà như viết về mình vậy.  Tôi hình dung trong đầu kỳ lạ lắm, Tommy trong truyện có gương mặt của Tommy Franzén - người về nhì trong "So you think you can dance 2010" của BBC One - hình đây (chôm trên mạng):


(Nhân tiện mới nói tôi thích Tommy Franzén lắm!!!)


 
Hai cuốn này ban đầu mua hồi mùa Giáng Sinh 2008 lúc mới dọn vào căn hộ hiện nay.  Thích cuốn bên trái của Gene Kranz quá chừng, lúc về VN năm 2009 tặng bé An cuốn đang có, lúc đó chưa kịp mua mới.  Sau đó gần đây mới mua lại cuốn này.  Xem thêm về Gene Kranz ở đây .  Cuốn bên phải nói về Điệp viên Phạm Xuân An của VN thời chiến tranh.  Ông làm việc cho toà soạn báo Time trong suốt bao nhiêu lâu mà đồng nghiệp Mỹ không ai ngờ. 


Hai cuốn này đồng tác giả, đều mua sách thải ra của thư viện kế nhà.  Trong chung cư của tôi tầng trệt là một cái thư viện to đẹp mới.  Ngoài việc mượn sách của thư viện, lâu lâu họ bán ra những cuốn sách cũ để mua vào sách mới.  Họ bán rẻ rề 50xu một cuốn sách, mỗi lần thấy thư viện bán sách là tôi rinh về một chồng.  Bây giờ trên giá sách còn một mớ chưa kịp đọc.  Cuốn bên phải là truyện về Từ Hy Thái Hậu, đọc cũng mềm mại thu hút lắm.  Cuốn bên phải, chà, rất là hay, rất là dữ dội.  Tôi mang nó theo đọc lúc sang Trung Quốc, rất hợp cảnh hợp tình.  Cuốn này không biết có bị cấm ở TQ không?  (Đến blogger.com hay facebook mà ở đó còn bị chặn nữa thì sách này nói về cuộc sống thời cách mạng văn hoá Trung Quốc chắc là trong danh sách đen rồi).  Thời nào thì người ta cũng phải yêu thôi. 


Hai cuốn tiếng Việt.  Hiếm hoi.  Cuốn bên trái đọc lần đầu tiên ở nhà cô Hai lúc nhỏ.  Sau này mua lại ở nhà sách cũ Thị Nghè năm 2006 trước khi tôi đi Anh.  Cuốn bên phải mua lúc về VN năm 2008.  Rất hay, tôi mong chờ phim ra, nghe đâu còn lâu mới quay xong.  Bách Huệ à, trái tim bạn như quả óc chó già cỗi, còn trái tim của Tuyết Hoa trong trắng và thánh thiện bao nhiêu.  Cuộc đời dài lâu hay ngắn ngủi, tri kỷ chỉ có một người.  Chất thơ sóng sánh trong quyển sách này, có lẽ vì đọc tiếng Việt nên dễ cảm nhận sâu sắc hơn chăng?

Sách còn nhiều nhưng lúc khác kể tiếp vậy.  Giữa một rừng sách mênh mông, được đọc một cuốn sách nào đó chính là nhân duyên, cũng như trong biển người mênh mông ta tình cờ được biết một người.

Sunday 8 August 2010

Good morning, Vietnam

Tivi vừa chiếu phim này ... hơn một tháng trước.
Hôm nay, khuya chủ nhật, tức là sáng sớm ngày thứ Hai ở Việt Nam.



Bạn xem phim này chưa?  Chưa thì xem đi.

Ngày mai tôi ăn trưa thế này:



Mỗi bữa cơm trưa ở văn phòng là một niềm vui nhỏ.  Khi những người chung quanh ta gặm sanwich lạnh lẽo chán phèo thì ta luôn ăn cơm nhà mang theo, nóng hổi ...

Chào ngày mới.  Good morning, Vietnam.