Wednesday 23 March 2011

Niềm kiêu hãnh

"Tôi ngước nhìn lên ngôi sao phương Nam và thề ước rằng bất kể khi nào sẽ luôn tiến bước với nụ cười trên môi.  Anh là người đã dạy cho tôi sự tự do và niềm kiêu hãnh.  Khi đêm đến anh ôm ghì đôi vai tôi run run và yên lặng, để giờ đây tình yêu dành cho anh là niềm tự hào trong tôi ..."

Bộ phim truyền hình Nhật Bản tên "Đức" được chiếu ở Nhật năm 1996.  Năm 1998 được chiếu ở VN lần đầu tiên trên đài truyền hình TPHCM - đa số mọi người không thích phim này lắm, cho rằng nó vớ vẩn.  Sau khi bộ phim đi qua, không còn gì để lại ... internet/youtube/google ngày nay không còn lại mấy dấu vết... Diễn viên Yasuda Narumi đóng vai cô giáo xinh đẹp Yuki lúc 30 tuổi, ngày xưa trẻ trung, mắt tròn long lanh là thế mà giờ đã 45 tuổi, gương mặt đầy nếp nhăn năm tháng. 

15 năm đã qua đi còn gì ...

Nhưng hình ảnh đẹp của một tình yêu đẹp còn đọng lại mãi ngọt ngào trong lòng một người....

18 tuổi trẻ trung đã từng kiêu hãnh hay không?

Ngày 18 tuổi tôi thích một tình yêu lãng mạn, mơ về những cuộc tình lãng mạn, những cơn mưa lãng mạn, những đôi tình nhân nắm tay lang thang dưới chiếc dù.  Ngày đó tôi 18 tuổi, nhưng tôi ước mình có thể là Yuki, ngày mình 30 tuổi vẫn trẻ trung hồn nhiên như thế, vẫn yêu đời như thế, và vẫn "sẵn sàng" để gặp được một chuyện tình lãng mạn như thế... (Cô gái 18 tuổi nào lại ước mình không lấy chồng để ế đến ngày 30 tuổi mới gặp "tình yêu đầu"?).  Nghĩa là, tôi chưa từng kiêu hãnh tuổi thanh xuân 18 phải không?

Thời gian không vội vã, đối với một số ít trong chúng ta...Tuổi thanh xuân qua đi không vội vã...

15 năm sau ... tôi tìm lại được bài hát này.  Đức và Yuki giờ này không còn trẻ trung nữa, mà hình ảnh của Đức và Yuki vẫn mãi lãng mạn trong tôi.

Tôi tìm lại được niềm kiêu hãnh của chính mình.

http://www.youtube.com/watch?v=ysSSiFffKh8

.

Sunday 20 March 2011

Ngày đọc mệt

Tôi nhấp một ngụm trà hoa Mạt Lỵ và nhẹ nhàng nghĩ về thời hoa niên đã xa.  Rồi tôi đọc lại Đèn không hắt bóng của Junichi Watanabe, vừa đọc vừa uống trà.  Rồi suốt ngày tôi uống trà, tôi uống đến năm lần châm trà mới.  Rồi khóc một chút trong đoạn kết của truyện, rồi đọc Tuổi xuân tàn khốc của Miên Miên.  Tôi nghĩ về thế giới quái đản của những người trẻ tuổi quái đản.  Có một chút tương đồng ở tiểu thuyết này với Bông cúc trắng do Trang Hạ dịch (không rõ tác giả).  Tôi nghĩ mông lung một chút về cái thế giới mênh mông nhân vật này ngập ngụa giữa điên loạn, tình dục, ma túy.  Rồi tôi đọc Điên cuồng như Vệ Tuệ. 

8 giờ 30 tối.  Mắt tôi mỏi mệt vì suốt ngày dán mắt vào laptop.  Tôi dừng giữa chừng, không thiết đọc hết vì tôi không hứng thú nữa.

Tôi chưa từng uống trà nhiều như thế trong một ngày, trước ngày hôm nay.  Tôi thích nhân vật Naoe của Đèn không hắt bóng.  Anh cao gầy, lạnh lùng và tài hoa.  Tôi thích các tiểu thuyết Nhật Bản, những con người khắc họa trong xã hội Nhật Bản đều không giống như xã hội mà tôi biết.

Cuối cùng tôi kết thúc một ngày đọc của mình bằng Gia đình ngọt ngào của tôi (Vệ Tuệ), một kết thúc đẹp cho một ngày đọc mệt.

________

(Viết ngày 4 tháng 10 năm 2009 lúc đang ở Bắc Kinh - lúc đó rãnh rỗi được một chút hay ở "nhà" được một chút để đọc cũng hơi hiếm - lúc đó viết chơi vào cuốn tập học tiếng Hoa.  Hôm nay tình cờ lật lại cuốn tập thấy hay hay bèn ghi lại đây cho nó tập trung có thể thống ...)

.

Wednesday 2 March 2011

Những góc phố tình cờ tôi qua

Có những ngôi nhà đẹp yêu kiều, đẹp thanh nhã và hoà hợp với cả con đường, đẹp vì nó không chênh vênh một mình, đẹp vì kiểu dáng đài các gợi nhớ một thời xưa cũ ...


Nhà ở ngày xưa xây rất đẹp, rất cầu kỳ cho nên người ta giữ gìn chăm chút rất cẩn thận, qua bao chủ qua bao đời, mỗi lần sửa chữa đều hết sức đắn đo, cố gắng giữ lại cái cổ kính đáng yêu, che đi những cái “mới” hoặc ngụy trang cho nó thành “cũ” để hòa hợp với cả ngôi nhà, cả dãy phố.  Bên trong có thể nhiều thứ thay mới hoàn toàn nhưng không bao giờ người ta có ý định đập bỏ nguyên cái nhà mà xây mới (trừ khi nó hoàn toàn mục nát).

Tôi cũng như bao người Anh khác mơ ước có được một ngôi nhà cổ trăm tuổi gì đó hay hơn ... nhà cổ đẹp biết bao nhiêu, mà cũng mắc biết bao nhiêu, mắc hơn nhà mới xây sau này nhiều lắm. Chi phí bảo dưỡng, bảo hiểm càng kinh khủng.

Có những ngôi nhà từ thời Tudor (1485 – 1603), cách nay gần năm trăm năm, vậy mà vẫn ngạo nghễ với thời gian:



Hai hình trên chụp ở một thị trấn nhỏ không nhớ tên, hình như đâu đó gần Chesterfield. Còn ba hình dưới là ở Stratford upon Avon - quê nhà của Shakespeare. Tấm này là nhà của ông:




Tôi yêu nhất những ngôi nhà gạch đỏ thời Victoria:



Ở Exetor







London (hình trên mạng) ...



Bakewell...




Period houses ... I dream of you...

.

Góc kỷ niệm

Nhìn tủ sách của một người ta có thể biết thêm nhiều điều về người đó, về sở thích, về tâm hồn. Tủ sách là nơi cất giữ nhiều kỷ niệm, là nơi mà những câu chuyện được bắt đầu hay tiếp nối trong tâm hồn của một người. Cho nên tủ sách là tài sản quý giá nhất trong nhà vậy. Bạn tôi hỏi chứ tôi có mua bảo hiểm tài sản trong nhà không. Tôi nói, nhà là nhà thuê, đồ đạc đều của ông chủ nhà, cái giá trị nhất của tôi chỉ có cái tivi 32 inch với cái laptop, vài món nữ trang vặt vãnh, nên thôi không thèm mua bảo hiểm làm chi. Nói rồi về nhà tôi nghĩ lại, nếu mà lỡ cháy nhà, cái không mua lại được chính là cái tủ sách, không phải cái tủ, mà là sách ở trong đó. Mỗi cuốn sách có một giá trị riêng, gắn liền với một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời tôi và có một câu chuyện riêng để kể về nó và về cuộc đời tôi. Nó quý giá như vậy đó, làm sao mà kê khai được giá trị để mà mua bảo hiểm và làm sao mà một cuốn sách y chang mới toanh có thể thay thế được cuốn sách cũ thân thương đó?

Những cuốn sách tôi đọc lúc nhỏ ghi dấu ấn rất rõ nét trong tâm hồn tôi, và tôi còn nhớ y nguyên các khung cảnh liên quan đến việc đọc cuốn sách đó, cảm giác khi đọc nó lúc đó, và gì những gì tôi mường tượng ra trong đầu. Tôi có thể quên nguyên văn cái tựa đề, có thể không nhớ nổi cái tên nước ngoài của tác giả, nhưng tôi nhớ rõ ràng cái bức tranh mà cuốn sách đó vẽ nên trong tâm hồn tôi. Ví dụ như tôi nhớ rõ ràng cái chuyện về con chó sói trong “Nanh trắng” của Jack London là đọc ở nhà cô Hai trước khi cô đi Mỹ. Lúc ở nhà cô Hai một thời gian ngắn sau khi cô mổ mũi, ngoài Nanh Trắng còn có Con Bim Trắng Tai Đen, Đèn Không Hắt Bóng, một số truyện khác không nhớ nổi tên. Lúc ở với chú Út mùa hè năm sắp lên lớp 3 tôi đọc về truyện cuộc phiêu lưu của cô bé bị thu lại nhỏ xíu, con ong nhỏ đối với cô to như một con quái vật khổng lồ (chả nhớ truyện tên gì). Hoặc lúc tôi học lớp 2 tôi đọc truyện về cuộc phiêu lưu của bốn người bạn và một con chó ở một hòn đảo nhỏ ở nước Anh. Từ lúc lớp 2 đó mẹ chịu thua không mua truyện tranh hoặc truyện mới từng cuốn cho tôi nữa vì tôi đọc nhanh quá, bao nhiêu tiền chịu cho nổi. Mẹ bèn mua sách cũ cân ký, rẻ rề một đống về cho tôi đọc chết bỏ. Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết dài chương từ lúc đó, nghỉ chơi với truyện tranh nhảm nhí. Lớp 3 lên Thủ Đức mẹ cũng mua sách cân ký, trong đống đó có Lâu Đài Người Bán Nón, Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma… Vì là sách cân ký nên không đầy đủ, có cuốn chỉ có tập 1 không có tập 2, có tập 2 không có tập 1. Có hề chi, tôi đọc hết. Và rất hạnh phúc. Đến nỗi tôi chưa từng thắc mắc vì sao tôi chỉ ru rú trong nhà không chơi với con nít hàng xóm nào hết, tuổi thơ tôi trôi qua trong một rừng sách cân ký, trong những cuốn sách tình cớ vớ được lúc ở nhà người này hay người kia. Lúc tôi học lớp 5 chú Út cho tôi cuốn Bố Già và cuốn Tình sử Angelique. Bố Già trở thành cuốn sách tôi yêu quý nhất cho đến tận ngày hôm nay.

Tủ sách nhà Nội là một tủ sách thần kỳ đưa tôi qua hết thời niên thiếu, từ lúc nhỏ xíu cô Tư cho tôi đọc bao nhiêu là truyện hay – đúng tuổi con nít, truyện về mấy con thỏ, về những cuộc phiêu lưu kỳ lạ, về anh bán hành có được lọ nước thần kỳ, về “Bì Cầu Sần Kỳ” (hà hà cái này đúng là mật mã – ai mà chưa đọc truyện này sẽ không biết “Bì Cầu Sần Kỳ” là cái quái gì, ai đã từng đọc, mãi mãi không quên bốn chữ này, bốn chữ đưa người ta ngược về tuổi thơ trong tích tắc). Cô Tư còn chép truyện về ông bác sĩ quái đản bị nhiều người ám sát mãi mà không chết, và tôi giúp cô Tư chép truyện về ông Đạt Lai Lạt Ma nữa. Tủ sách đó đối với tôi là cả thiên đường, là gia tài sưu tầm gom góp của cô Hai, Ba tôi, cô Tư, chú Năm, chú Út qua bao nhiêu năm. Trong đó có 15 Truyện Rừng, 15 Truyện Biển, 15 Truyện về miền Tây hoang dã của nước Mỹ, 15 truyện gì gì đó vô số, có Đội Săn Của Quốc Vương Xtac, có Bí Mật Cây Kim Rỗng, có Cái Ấm Đất của Khái Hưng, và nhiều nhiều nữa … Tôi biết ơn cái tủ sách khổng lồ đó biết chừng nào.

Nếu mà liệt kê hết các cuốn sách tôi từng đọc, sẽ phải kê ra không biết bao giờ mới xong, vì mỗi cuốn sách gắn liền với một kỷ niệm thân thương. Nếu mà tình cờ ai đọc một trong những cuộc sách tôi kê ra ở trên, và nhờ đó mà gợi nhớ lại một kỷ niệm êm đềm, thì bạn sẽ hiểu cảm giác của tôi lúc này. Vì khi tôi viết về những cuốn sách đó, tôi đã đi ngược lại tuổi thơ của gần ba mươi năm về trước và nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm và hạnh phúc êm đềm.

Vì vậy mà tủ sách của một người quý giá biết chừng nào. Bạn hãy đọc và trân trọng giữ gìn những cuốn sách yêu thương của bạn, để người thân hay con cháu bạn, hay chỉ một người nào đó tình cờ được đọc sách của bạn, sẽ mãi mãi biết ơn những cuốn sách của bạn. Và nhiều nhiều năm về sau họ chỉ cần nhớ lại tựa đề của một cuốn sách nào đó đã được đọc, là biết bao cảm xúc thân thương chợt vỡ oà…

.