Tuesday 15 February 2011

Hôn bao nhiêu cái cho vừa?


Tức là hôn một cái, hai cái, ba cái hay bốn cái?  Hay là không hôn, chỉ ôm thôi?  Hay không ôm, chỉ cười "hi" thôi?
 
Ở Việt Nam, tôi không làm gì cả, tôi cười một cái là xong.

Ở đây, tôi phải suy nghĩ cẩn thận xem là làm như thế nào cho phải phép. 

Ví dụ như tôi gặp bạn William người Trung Quốc thì không cần làm gì cả, toét miệng ra cười hello là được.  Bạn Christina cũng người Trung Quốc thì sẽ ôm hờ tôi một cái cho có lệ, vai chưa chạm kịp nhau,  tay vỗ vỗ vai tôi hai cái thì giựt ra (bạn không phải là bạn "hờ", bạn chỉ có thói quen chào "hờ" vậy thôi).  Bạn Jungmin người Hàn Quốc sẽ ôm tôi ân cần.  Bạn Alberto người Tây Ban Nha sẽ chìa má ra, hai cái.  Bạn Ấn Độ/Pakistan thì dè dặt hơn, nhưng cũng tùy, tôi phải nhớ ví dụ như bạn này thì sẽ hôn mà bạn kia thì chỉ cần cười.  Cô đồng nghiệp người Slovakia sẽ  "mwah, mwah" 4 cái lúc chào nhau ra về sau khi uống vài ly sau giờ làm việc.  (Lúc đầu tôi không biết cứ tưởng mỗi lần cô uống say cô trở nên nồng nhiệt như thế (!), sau này tôi mới biết hóa ra không phải.  Đó chỉ là quy tắc xã giao của cô).  Còn Florence người Kenya sẽ tùy hứng lúc ôm lúc hôn.  Sếp thì sẽ "peck" một cái "on the cheek" trong các dịp đặc biệt như Giáng Sinh chẳng hạn. 

Tóm lại là trong đầu tôi có một cái danh sánh nghi thức chào hỏi như thế cho từng người. Mỗi lần gặp ai chỉ cần nhớ là lần trước mình làm sao thì lần này làm y vậy. Nhưng cũng phải tùy thời điểm, ví dụ như đồng nghiệp gặp nhau mỗi ngày chỉ cần hello và goodbye là xong. Nhưng cũng là đồng nghiệp nếu như dịp gì đó đặc biệt đi ăn uống xong nói chuyện thân thiết thì lúc ra về sẽ chào nhau hôn lên má - một cái hay hai cái còn tùy.  Có khi tôi đãng trí quên là khung cảnh này người này thì chỉ cần hôn một cái lúc ra về, tôi bèn hôn hai cái, cái thứ hai người ta đã giựt ra làm tôi "lỡ nhịp" thật buồn cười ... Có khi tôi cũng bối rối chả biết là có nên chìa má hay không, tôi bèn đứng ấm ớ ... Mà giữa một người nam và người nữ, phụ nữ phải là người chủ động chìa má ra trước.  Nếu mà tôi không chủ động người ta sẽ không "peck" nhưng sẽ thắc mắc trong đầu tại sao kỳ thế, và tự nhiên cả hai sẽ trở nên lúng túng ngượng nghịu kỳ kỳ.

Nhưng mà gặp người tôi đã thân đã "nhớ" cách chào nhau thì còn dễ.  Gặp một người quen nhưng mà không thân lắm, cũng không sơ lắm đến mức chỉ đứng đực ra nhìn, làm thế nào?  Ôm hay không ôm?  Hôn hay không hôn?  Một cái hay hai cái?  May là tôi còn chưa gặp ai hôn ba cái cả.  (Bốn cái là hiếm).  Đôi lúc người ta chuẩn bị nói lời chia tay thì tôi lơ đãng nghĩ đến việc hôn hay không hôn, thật buồn cười.

Ngoài ra hôn còn có hôn thật hay là hôn gió.  Hôn thật là môi chạm má (peck on the cheek).  Hôn gió (air kissing) là má chạm má, hôn... không khí.  Trong vòng vài giây lúc người ta nghiêng qua tôi phải phán đoán thần tốc là ta nên hôn thật hay hôn gió.  Bạn cho đi cái hôn thật mà bạn nhận lại cái hôn gió bạn sẽ cho rằng người ta kém thật lòng.  Cũng như nhận cái ôm hờ hững đôi khi tôi hơi chau mày.  Nhưng hoàn cảnh xã giao khách sáo nên hôn gió mà ta hôn thật thì cũng hơi buồn cười.

Tôi cứ tưởng là tại mình không quen với kiểu cách bên này nên hay lúng túng như thế. Nhưng mà BBC làm hẳn một bài thanh minh rằng đến người Anh còn chả biết đường nào mà lần nữa là. Đây, Pecking order - unspoken dilemma dividing Britain. 

Ai bảo hôn là dễ?

Sunday 13 February 2011

Unrequited love - Yêu đơn phương

(Trúc La - Dịch từ A Point of View: Why books do not prepare us for real love)

Trong văn học tràn ngập những tình yêu đơn phương không được đền đáp, điều này làm cho ta bất ngờ về tình yêu thật sự trong cuộc đời.  Alain de Botton viết như vậy trong chuyên mục hàng tuần của anh.

Từ thuở thiếu niên cho đến lúc trưởng thành rồi xấp xỉ 30 tuổi hơn, những tình yêu mạnh mẽ nhất của tôi là dành cho những người hầu như không hề thích hay yêu lại tôi.  Những người phụ nữ đã có người yêu, những người không buồn gọi cho tôi vì họ có thói quen làm mất số điện thoại, những người giải thích nhẹ nhàng rằng họ cần một chút thời gian một mình, hoặc những người không muốn tình dục làm hỏng một tình bạn quý giá.

Kỳ lạ là thay vì cảm thấy tội nghiệp cho mình, tôi lại cho rằng số phận không may làm cho ta có được cơ hội trải nghiệm tình yêu điên cuồng các loại - loại đơn phương.

Ai từng đọc vài cuốn tiểu thuyết về tình yêu đều nhanh chóng nhận ra rằng tình yêu trong văn chương bằng cách này hay cách nọ đều luôn luôn gặp trở ngại.  Cái mà ta gọi là tình yêu thật ra chẳng hề là tình yêu, chỉ là một câu chuyện về một cuộc yêu bị trì hoãn chia cắt.   Như là một biên bản ghi nhận về việc chiến thắng các trở ngại (cha mẹ, xã hội, tính ngại ngùng, hèn nhát) qua thời gian để cuối cùng được đoàn tụ vui vẻ.  Khi đó tình yêu dường như đã hoàn mỹ, chỉ còn mỗi việc cuối cùng tác giả cần làm là kết thúc câu chuyện.

Đương nhiên là văn học thiên về yêu đơn phương là một niềm an ủi lớn lao cho những người sầu muộn thất tình.  Nghĩa là cảm giác của chính họ luôn được tôn lên và khẳng định với những gì họ đọc.  Thế là họ càng nhay đi nhay lại, thậm chí tôn vinh cái cảm giác ngọt ngào cay đắng khi chờ đợi một cuộc điện thoại hay đi hâm lại bữa ăn tối cho một mình mình.

Vì tôi đắm chìm trong văn học, tự nhiên tôi thấy mình không được chuẩn bị tốt khi một việc đáng ngạc nhiên nhất trên đời xảy ra lúc tôi hơn 30.  Lúc đó, những cuốn tiểu thuyết yêu thích nhất của tôi là The Sorrows of Young Werther của Goethe (nói về một cuộc tìm kiếm tình yêu kết thúc bằng tự sát) hay Anna Karenina của Tolstoy (giống vậy).

Tôi gặp một người, nàng không quên gọi lại, nàng không giả vờ muốn giữ mọi chuyện ở tình bạn, nàng không cần về nhà để sáng mai chuẩn bị đi làm.  Chúng tôi yêu nhau và cưới nhau.

Đột nhiên, văn chương không còn là kim chỉ nam tốt để dự đoán những gì sắp xảy ra.  Mọi cuốn sách của tôi đọc cho tôi một hình ảnh hoàn mỹ, một tình yêu hạnh phúc không cần nhiều vận động.  Tình yêu như là một hình tượng đứng yên, như thể là một điểm du lịch xa xôi không liên quan gì đến cuộc sống thực tế mỗi ngày, như một tấm bưu ảnh thì không liên quan đến thực tế đi đến đó làm sao.

Văn chương và triết lý thường cho rằng ngay sau khi ta gặp được người ta yêu, ta thường có cảm giác rằng ta biết người này rồi.  Như thể ta đã gặp người đó trước đây, trong mơ hay trong tiền kiếp.

Người Lưỡng Tính (Hermaphrodites)

Trong tác phẩm Symposium của triết gia Plato, Aristophanes giải thích rằng loại cảm giác quen thuộc này là vì người ta yêu là phân nửa phần thân thể thất lạc của ta.  Nhân loại từng là người lưỡng tính, bốn chân bốn tay hai mặt một đầu hướng về hai hướng ngược nhau.  Nhưng loại người lưỡng tính này quá mạnh mẽ và quá tự cao nên Zeus phải cắt họ làm đôi, làm một người nam và một người nữ.  Từ ngày đó họ luôn khao khát kết hợp lại phần thân thể đã thất lạc.

Tôi nhận thức rõ rằng, mặc dù cuối cùng chúng tôi bên nhau, vợ tôi chắc là không phải phần một nửa của tôi mà Zeus đã chia cắt, ngay khi chúng tôi về sống bên nhau, lúc nàng giới thiệu cái ấm nàng mua.  Nó tiện, nó hiệu quả, nhưng mà nó chính là cái ấm mà tôi ghét nhất.  Nếu chúng tôi thật sự yêu nhau, tại sao nàng có thể cho rằng cái ấm xấu xí đó là đồ gia dụng đẹp đẽ chứ?

Chỉ vài tháng sau tôi đã rũ bỏ hết cái lãng mạn hoang đường vô tích sự trong văn học, cái ý tưởng rằng một tình yêu hạnh phúc là tình yêu không có xung đột.  Tôi và vợ có vô vàn cái khác nhau trong những quan điểm và sở thích lặt vặt.

Tại sao tôi cứ phải để mì sôi thêm vài phút sau khi nó đã luộc chín?  Tại sao tôi chỉ thích mỗi cái áo khoác mùa đông cũ đã tả tơi?  Tạo sao nàng cứ đậu xe cán một bánh trước lên bờ kè?  Tại sao tôi không có giấc ngủ sâu?  Tại sao nàng có quá nhiều quần áo bận không hết?

Chắc chắn là không phải tình cờ mà những người tình vĩ đại nhất trong văn học đều thiếu tính hài hước.  Thật khó mà tưởng tượng được có thể nói một câu bông đùa với Romeo hay Young Werther, cả hai dường như khác nhau nhưng mà đều mãnh liệt.  Và nếu không cười được thì không công nhận được cái lộn xộn và phức tạp của con người, cái mâu thuẫn cố hữu trong mọi cuộc hôn nhân, cái cần thiết phải chấp nhận là bạn đời của ta mãi không bao giờ biết đậu xe hay nấu mì cho đàng hoàng - nhưng mà ta vẫn cứ yêu thôi.

Tính hài hước bỏ qua những cuộc đối đầu không cần thiết, bạn lướt qua một điều khó chịu, nháy mắt và gián tiếp chỉ trích mà không cần phải nói ra.  (Bằng cái việc bông đùa này anh cho em biết là anh không có thích cái việc X này, mà anh không cần phải nói thẳng ra, em cười chứng tỏ là em thừa nhận).

.......
______________

(dịch đến đây thấy hơi buồn chán - bạn muốn đọc tiếp thì vào nguyên văn mà đọc nhé)

Để kết thúc - tôi trích lại một câu trong bài báo dài dằng dặc của  Alain de Botton: "Yêu đơn phương có thể đau đớn, nhưng mà nó là một nỗi đau an toàn bởi vì nó không gây tổn hại cho ai cả trừ bản thân mình".  (Unrequited love may be painful, but it is safely painful, because it does not involve inflicting damage on anyone but oneself)

Còn tôi nghĩ rằng chính vì nó gây tổn hại cho chính mình, cho nên bạn đừng yêu đơn phương nữa nhé.  Tình yêu đơn phương chỉ đẹp trong tiểu thuyết thôi, trong cuộc đời thực, mỗi ngày trải qua là cuộc đời chính mình ngắn đi một ngày, đừng phí phạm nó trong sầu muộn đơn phương...

Happy Valentine's Day!

.