Thursday, 30 December 2010

3 phút ...

... là thời gian tối đa một con người có thể chịu nổi trong hồ nước đóng băng trước khi lịm dần, cứng lại, và không bao giờ vùng vẫy tự cứu mình ra được nữa.  Thực ra chỉ một phút cũng đủ chết người.  Năm ngoái, năm nay, năm nào ở Anh cũng có người chết vì rơi xuống hồ nước đóng băng, không biết vô tình rơi xuống hay cố ý đi trên băng.  (Chó yêu rượt mấy con vịt rớt xuống nước chết nhiều hơn còn chưa nói).

Nghe thật dễ sợ, nhưng có tận mắt nhìn cái hồ đóng băng mới thấy nó quyến rũ mời gọi biết chừng nào...

... "Bước lên đi này, băng cứng lắm, đi thử đi, đi trên hồ nước, trượt trên băng, hay lắm ..."

Không phải dễ cưỡng lại được cái cảm giác muốn bước xuống thử xem coi nó ra làm sao.  Ấy đây là khi tuyết đã tan, chứ miền bắc tuyết nhiều rơi dầy, có khi không thấy được đâu là ranh giới giữa dưới nước và trên bờ.
(Hồ này trong Barking Park gần nhà, lúc này đã gần mười ngày sau cái bữa lạnh kỷ lục mà băng thấy vẫn còn cứng chán).

Có một lỗ thủng to tướng trên băng, có vẻ như con vật bất hạnh nào đó đã làm "lủng" cái lỗ này rớt tòm xuống nước


Mặt băng đầy dấu chân gì đó, chắc là chân ngỗng chăng?


Ai đó chọi thử một cục băng lớn ra giữa hồ - nhằm nhè gì, có vẻ như băng cứng lắm, không thủng được:


Hồ đông lại chỉ chừa có một đoạn nhỏ xíu cho mấy con vịt vùng vẫy (chắc tại vẫy miết mà nó đóng băng không được):


Có người muốn "sờ băng" thử coi nó dầy mỏng ra sao - mà sợ bị té xuống (tuyết tan trơn hơn tuyết mới rơi nhiều lắm, trợt té dễ ợt), bèn nằm dài ra đất thò tay xuống chắc ăn:


Đoạn băng sát bờ coi bộ dầy lắm, chắc là dư sức chịu nổi người.  Nhưng mà trăm ngàn lần, xin đừng ai dại dột bước xuống ... 1 phút hay 3 phút cũng là nhanh lắm... 

Hôm bữa người rớt xuống nước ở Bắc Ireland được ba nhân viên cứu hộ chèo thuyền ra cứu, loay hoay không vớt lên được, sau đó máy bay quăng dây thừng, người đó cũng không nắm được, sau đó một người trên máy bay phải đứng ở càng máy bay kéo người bị nạn lên mặt băng.  Không may là trong lúc loay hoay thuyền của ba người cứu hộ lật nhào, ba người rớt luôn xuống nước.  Cả bọn được máy bay ngay lập tức đưa đến bệnh viện, ba người cứu hộ không sao nhưng người bị nạn thì không cứu được.

Tôi có lần mùa đông, trời mưa, chân bị ướt mà đến gần cả tiếng sau mới về tới nhà.  Biết là lạnh lắm, biết là lạnh đến nỗi chân bước đi mà hoàn toàn mất cảm giác, vậy mà vẫn kinh hoàng khi lột giày vớ ra thấy hai bàn chân mình đông trắng bệch, các ngón chân cứng ngắc.  Vội vội vàng vàng ngâm chân trong nước nóng biết bao lâu nó mới hồng lại, thật hú hồn, suýt khóc.  Từ đó về sau, tôi dứt khoát không bao giờ để cái cảnh khiếp đảm ấy xảy ra lần nữa, đó là kỷ niệm lạnh "kinh dị" nhất trong năm cái mùa đông của tôi ở đây cho tới nay.

Trong công viên cả mười ngày sau mà tuyết vẫn chưa tan



Wednesday, 22 December 2010

Bạc Tần Hoài

Giang Nam xinh đẹp, thời tiết ấm áp, phong cảnh hữu tình.  Năm ngoái tháng mười một Bắc Kinh đã lạnh cóng đầy tuyết, mà Giang Nam trời xanh mây trắng như mới chớm thu:


Giang Nam có sông Tần Hoài - Tần Hoài rực rỡ lung linh về đêm







Không khí bàng bạc mùi ... lịch sử, làm tôi bâng khuâng nhớ bài thơ Bạc Tần Hoài  泊秦淮 của Đỗ Mục (杜牧) 

烟笼寒水月笼沙

夜泊秦淮近酒家

商女不知亡国恨

隔江犹唱后庭花
 
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vương quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

 
Ôi Tần Hoài ...

(chú thích: 4 cái hình phía dưới của bạn Leo chụp ...)

Người già ở Trung Quốc làm gì?

Sáng sớm vô công viên khiêu vũ



tập thể dục



luyện thư pháp


cây bút lông nặng lắm nhé - nhúng vào nước để viết, sau ít lâu nước khô đi, chữ tan mất, viết lớp mới đè lên ... thật là "eco-friendly"!


...chữ như rồng bay phượng múa vậy ... mới khó đọc làm sao!

Happy Christmas




Sunday, 31 October 2010

My Halloween night at home








Hì hục một buổi mới khoét xong trái bí, bỏ ruột, lấy vỏ làm lồng đèn, lấy cơm bí làm bánh bí.  Làm bánh bí xong còn dư một mớ thế này, vì trái bí to tổ chảng, có lẽ đem đông đá mai mốt làm bánh bí tiếp:


Hôm kia mình nướng một mẻ bánh bí bự đem vô văn phòng, mọi người khen ngon nhé, đi qua đi lại xực hết cả cái bánh bí to gấp đôi cái bánh ở trên.
Happy Halloween!

Tấm thảm

Đây là tấm thảm nhà tôi


Đây là bồn rửa chén nhà tôi


Đây là bức tranh vẽ trên giấy papyrus (giấy làm bằng một loại cây giống cây thuỷ trúc) mà tôi mua ở Ai Cập





Đây là bàn làm việc ngổn ngang kiêm bàn ăn kiêm bàn học các loại


Còn đây là tôi, chụp hồi hè ở bãi biển Southend-on-Sea, cách nhà chừng 1h rưỡi đi tàu

Lồng đèn bay

Sân thượng trên lầu 7 là nơi để ngắm sao trời, nhìn ra mênh mang, và là nơi để thả lồng đèn bay (flying lantern).  Hồi xưa nó còn là nơi để tôi đốt pháo hoa, nhưng có lần chơi dại đem trái pháo bự chảng đen thui hình trái lựu đạn (thật, họ làm trái pháo hoa có hình lựu đạn) lên đó đốt, nó nổ cái đùng điếc lỗ tai tôi vác đít chạy không kịp (sợ bữa sau nhận được thư nhắc nhở) ... thôi cho nên từ đó chỉ đốt pháo hoa đẹp nổ nhỏ, trái grenade đen thui để dành khi nào đi ra đồng không mông quạnh không có người mới dám đốt.

Lồng đèn bay đây



 

Bánh Trung thu Triều Châu

Mấy tuần trước mình làm bánh trung thu Triều Châu (Teochew mooncake), dù trung thu đã qua:


Vỏ bánh bị nứt vì cán bột và gói không khéo, lần đầu mà. Nhân đậu xanh hơi bị đen vì siêu thị không có bán đậu xanh cà, thế là ta chơi luôn cả đậu xanh nguyên vỏ. Không có trứng muối thật tiếc, vì trứng mới muối chưa kịp mặn:


Mẻ thứ hai có khá hơn không bị lòi nhân, nhưng mà nướng hơi non, cho nên hôm sau vỏ bánh mềm èo. Ngộ là mình nhuộm cho nó màu xanh lá non, vậy mà chả thấy màu xanh đâu:


Tuần sau trứng muối đến ngày, có lẽ mình tập tành làm lại.  Để mùa trung thu năm sau nhất định có bánh trung thu "homemade" ... Mình đem một hộp này vào cho mấy người đồng nghiệp mỗi người thử một miếng, họ khen ngon!  (Đến cái bánh trung thu Triều Châu thật mình còn không nhớ là có từng ăn qua chưa chứ nói chi đến mùi vị thế nào, có biết đâu để mà so.  Mai mốt vào chợ Tàu thấy sẽ mua ăn thử vậy).

Bánh Triều Châu thật đúng ra nhìn như thế này



Giống cái bánh pía ghê.  Mình thích ăn bánh pía Sóc Trăng nhất trên đời.  Năm nay trung thu bên này mình chạy đôn chạy đáo qua cửa hàng Việt mà mua không có bánh pía ngon nên không thèm mua, nhịn ăn luôn.

Đây là album hình mình đón tết Trung Thu vừa qua.   

Sunday, 19 September 2010

Triết lý mua sắm

逛商店的修养

Bài đăng báo Kiến Thức Ngày Nay tháng 10/2010

(Dịch từ sách 捷径 của trường Đại Học Ngôn Ngữ Bắc Kinh, quyển 2, chủ biên 朱子仪, sách không đề tác giả cho từng bài cụ thể mà chỉ giới thiệu chung ở lời nói đầu nên tôi không biết tác giả bài này)

Làm chồng gặp phải một vấn đề khó khăn, không phải vấn đề nào khác mà chính là việc đi mua sắm, việc này tôi thật chưa hề tiên liệu đến.

Thật ra cùng với vợ (lúc đó gọi là bạn gái) lúc yêu nhau cũng có cùng đi dạo khu mua sắm. Sau này nghĩ lại mới thấy lúc đó hẹn nhau đi mua sắm cũng giống như đi công viên, đi xem phim vậy, quan trọng không phải là đi đâu, mà là cơ hội để hai người gặp nhau, hoặc cũng có thể gọi là "mượn cớ" vậy. Có trời mới biết nam nữ yêu nhau say đắm thì thường nghĩ ra biết bao nhiêu cái cớ như thế này. Họ thật là thông minh bội phần, có thể gọi cách này là bình mới rượu cũ, biến những việc tầm thường vụn vặt của cuộc sống hàng ngày thành bức tranh lấp lánh màu sắc. Nhưng mà họ cũng thường rất là ngốc nghếch, vì yêu nhau say đắm nên không thấy được đằng sau những cái lấp lánh đó rốt cuộc cũng chỉ là những việc tầm thường.

Kết hôn làm cho các góc độ của cuộc sống hiện ra nguyên hình. Phụ nữ có lẽ do bẩm tính, hoặc có lẽ do vị trí của họ trong gia đình, vẫn giữ y nguyên cái đam mê mua sắm, tuy là lúc này cái mê đắm lúc yêu nhau nay đã nhường chỗ cho cái cân đong đo đếm rất chi là thực tế. Lúc yêu nhau, hầu như mọi người đều quan trọng cái vấn đề "đi dạo", rất ít người bỏ tiền trong túi chỉ chăm chăm mỗi chuyện "đi mua" (trừ mấy người mua dụng cụ gia đình chuẩn bị đám cưới). Kết hôn xong, nhất là những quý bà mê mua sắm, hết 10 người thì có đến năm sáu mỗi khi đi siêu thị cửa hàng thì phải tha về một thứ gì đó, có khi là bộ cánh Tây cho ông chồng mặc lên có dáng điệu phi phàm, có khi chỉ là một cái sạn xúc thức ăn, mấy cái cốc uống cà phê. Dù là như vậy, phụ nữ lúc nghĩ đến việc "đi mua" cái gì đó, lúc nào cũng có cái háo hức thích thú được "đi xem" kèm theo. Tôi thường nghĩ, đàn ông và phụ nữ có cái khác nhau rất lớn, khác nhau xuất hiện lúc bước vào cửa hàng, đàn ông thì chỉ chăm chăm rút tiền ra mua ngay, phụ nữ thì ngược lại, thích thú săm soi đi xem không biết chán, tuy là rốt cuộc cuối cùng cũng mua một cái gì đó. Lấy ví dụ, có một ngày mùa thu trời đẹp mê người, vợ nói "Mình đi mua mấy cái gối lót cho bộ sofa đi anh". Chồng gật gật đầu, thế là họ cùng nhau xuất hành. Cửa hiệu đầu tiên họ bước vào đã có gối lót sofa, xem như cách của ông chồng thì chọn ra vài cái mua là xong. Nhưng mà bà vợ thì không đâu. Vợ bắt đầu từ khu bán gối sofa, tuần tự "đi dạo" dần xuống, hết sức chăm chú kỹ lưỡng, kết quả là ra khỏi cửa hàng, cái gì cũng không mua. Sau đó từng cửa hàng từng cửa hàng một "đi xem" dần, lúc nào cũng chăm chú kỹ lưỡng, cuối cùng - có khi hết nửa ngày, có khi thậm chí hết cả ngày - bèn quay lại của hàng đầu tiên, mua mấy cái gối mà ông chồng đã đề nghị mua từ hồi sớm. Tôi có ông bạn nửa pha trò nửa hậm hực nói: "Tôi mà có lỗi lầm gì là bà ấy liền cho tôi cùng đi ra cửa hàng đầu ngõ mua sắm. Phạm lỗi lớn hả, thì liền đi Vương Phủ Tỉnh (1) mua sắm!"

Tôi so với ông bạn xem ra không đến nỗi nặng nề, có lẽ do tôi kết hôn lâu hơn. Mỗi khi vợ tôi muốn đi mua sắm, tôi liền hân hoan đi cùng nàng. Nhưng mà đến cổng khu mua sắm thì tôi liền bảo vợ "Em cứ vào trong từ từ mà xem nhé, anh ở đây đợi, hút điếu thuốc". Nhiều lúc sau đó tôi liền ngồi ngay xuống bậc thềm, rút ra cuốn sách thủ sẵn trong giỏ rồi từ từ lơ đễnh đọc.

May mà vợ tôi cũng không lấy thế làm phiền, đây thật là phúc đức cho tôi. Từ lúc kết hôn đến giờ, chúng tôi chưa từng vì việc này mà náo động ầm ĩ. Cũng may là bà vợ mê "đi xem" hàng hoá đến lúc quan trọng thì đều để cho tôi quyết, lúc này thì "đi xem" phải nhường bước cho việc "đi mua" - ví dụ như lúc muốn mua tivi, rút hết khoản tiền tiết kiệm ra, túi tiền nặng mà trong lòng cũng nặng. Vợ hiền lành ngẩng đầu nhìn chồng nói: "Anh nói mua cái nào thì mình mua cái ấy". Một cảm giác tự mãn kèm theo trách nhiệm của nam tử hán trỗi dậy, làm cho người ta không dám một chút sơ sẩy, phải chọn lấy một cái tivi thích hợp nhất mà mua - quan trọng như thể toan tính phát động chiến tranh thế giới vậy. Không chỉ vì vấn đề tiền bạc, mà là vì ánh nhìn tin tưởng và đầy nương tựa của vợ yêu.

Vì vậy mà tôi lại nghĩ, làm chồng tại sao không thể tin tưởng báo đáp vợ lại như thế? Tại sao không thể cùng vợ vui vẻ hân hoan "đi dạo" khu mua sắm - một ngày hay nửa ngày có sá gì? Từ cửa hàng này đến cửa hàng nọ, từ quầy này đến quầy kia, từ từ dạo bước qua các hàng hoá la liệt trước mắt, khắt khe thưởng thức, bình phẩm, hay cùng vợ sôi nổi thương lượng thậm chí tranh chấp, cuối cùng tay không bước ra khỏi khu mua sắm, rồi nhìn nhau mà cười.

Đây chính là "triết lý" mua sắm của tôi, vợ chồng tâm đầu hợp ý vì vậy mà càng thêm hiểu nhau, càng thêm tình cảm.
_______________

Chú thích:
1. Vương Phủ Tỉnh là khu mua sắm lớn nhất, nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh).

"SCE to Aux" và huyền thoại John Aaron

SCE to Aux là câu chuyện huyền thoại về John Aaron, người có công cứu sứ mạng Apollo 12.

Ngày 14 tháng 11 năm 1969, một ngày mưa bão, nhưng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy tàu vũ trụ vẫn được tiến hành phóng theo đúng kế hoạch đã định. Đó là sứ mệnh Apollo 12. Nhiều người chỉ biết đến Apollo 11 và Neil Amstrong hay Apollo 13 nổi tiếng đầy kịch tính. Nhưng có mấy người biết đến Apollo 12 và John Aaron huyền thoại với câu lệnh "Flight, try SCE to Aux", câu lệnh đã đi vào lịch sử của những người làm trong Trung Tâm Chỉ Huy Sứ Mệnh ("TTCH")(Mission Control Center) của NASA.

Chỉ 36.5 giây sau khi tàu rời khỏi bệ phóng, khi tàu vũ trụ đang ở độ cao 2.000m, tia sét đầu tiên đánh trúng thân tàu. Nguồn điện quá mạnh từ tia sét làm cho các mạch điện bảo vệ của tàu tự ngắt và đóng luôn cả ba nguồn điện của tàu, tắt luôn phần lớn các máy móc của khoang chỉ huy. Chỉ 16 giây sau đó, lúc tàu đang ở độ cao 4.400m, 52 giây sau khi phóng, tàu bị sét đánh lần thứ hai. Bộ phận chỉ độ cao bị "knock out", toàn bộ hệ thống thông số truyền về TTCH đều bị sai lệch. Tuy nhiên tên lửa Saturn V - tên lửa để phóng tàu vũ trụ vào không gian - thì vẫn hoạt động bình thường, tia sét chưa chạm đến hệ thống dẫn đường của nó.

Vì khoang tàu chỉ huy bị mất điện hoàn toàn, lúc này toàn bộ máy móc phải chạy bằng pin dự phòng. Pin không đủ để duy trì dòng điện 28V (DC) cường độ 75amp cần thiết trong lúc phóng. Bộ phận biến điện một chiều thành xoay chiều cũng tắt nốt. Khủng hoảng nguồn điện làm cho hầu như mọi đèn báo động đều phát sáng và làm cho máy móc đều lệch lạc.

TTCH không thể theo dõi được các thông số của tàu, không biết nó đang ở đâu, cũng có nghĩa là không có cách nào chỉ huy được con tàu. Pin cũng chỉ đủ xài trong 2 tiếng đồng hồ. Mọi người trong TTCH lúc này đều cho rằng chuyến bay phải bị huỷ bỏ, không còn cách nào khác. Quyết định phải được đưa ra trong nháy mắt, trong khi tàu chưa kịp ra khỏi lực hút của trái đất. Nếu lệnh huỷ bỏ đưa ra, tàu vũ trụ sẽ phóng ra khỏi bệ tên lửa và kích nổ tên lửa. Suốt cả thời gian này, bàn tay của Pete Conrad - chỉ huy trưởng tàu Apollo 12 - đã ở trên cần gạt "Huỷ bỏ" sẵn sàng chờ lệnh từ TTCH.

John Aaron là một thành viên của TTCH đang điều khiển sứ mạng Apollo 12, lúc đó còn rất trẻ, chỉ mới 25 tuổi. Hơn một năn trước đó John đã thấy lỗi mất các thông số của tàu trong một lần tập dượt, khi nguồn điện cung cấp cho SCE (Signal Conditioning Equipment - tạm dịch là Thiết bị điều khiển tín hiệu) không đủ. Phần này thuộc về cấu trúc tàu vũ trụ và không thuộc phạm vi của TTCH. Nhưng lúc đó do tò mò John đã tự mình mày mò tìm hiểu cách khắc phục lỗi này khi sự cố xảy ra.

(photo source: Wikipedia)

Lúc này, bằng một giọng bình tĩnh, John Aaron thực hiện một cú gọi khác người: "Phi hành đoàn, thử bật công tắc SCE sang chế độ phụ trợ" ("Flight, try SCE to Aux"). Cả TTCH hầu như không ai hiểu câu lệnh rất mơ hồ này. Gerry Griffin - Giám Đốc chỉ huy sứ mạng Apollo 12 từ TTCH - phải hỏi lại lần thứ hai, qua CAPCOM (người trực tiếp liên lạc truyền tin đến tàu vũ trụ)- CAPCOM cũng hỏi lại lần thứ hai, rồi đến Pete Conrad, người dĩ nhiên biết rất rõ về tàu vũ trụ, cũng không hiểu TTCH đang nói gì, thậm chí còn nhầm "SCE" với "FCE", và Pete thốt lên "Nó là cái quái gì vậy?". May thay Alan Bean, phi hành gia thứ nhất, người từng là học trò của Pete Conrad, biết công tắc SCE nằm ở đâu. Cũng may công tắc nhỏ xíu bằng đầu ngón tay này nằm trong tầm với ngay phía sau vai Alan (nên nhớ lúc này tên lửa đang trong giai đoạn phóng, còn trong lực hút của trái đất, các phi hành gia bị cố định rất chặt vào ghế ngồi do lực đẩy rất lớn, không thể tự do di chuyển như lúc tàu đã rời khỏi lực hút của trái đất và ở trong không gian). Công tắc SCE bật lên, nó chuyển thiết bị này sang nguồn điện dự phòng. Các thông số từ tàu vũ trụ ngay lập tức được phục hồi và chuyển về TTCH. Lúc này TTCH hướng dẫn Alan Bean khởi động lại nguồn điện chính, hệ thống máy móc được phục hồi và chuyến bay tiếp tục suôn sẻ.

Sau khi hệ thống liên lạc và máy móc đã ổn định, các phi hành gia lúc này mới hoàn hồn, mới nhận ra họ đã thoát khỏi một tình thế căng thẳng biết bao. Pete đã phá lên cười, tiếng cười của anh vang lên suốt trên đường bay vào quỹ đạo...

Không thể phủ nhận một chuỗi các sự kiện phải diễn ra thật chính xác trong tích tắc để dẫn đến thành công trong trường hợp này. Cũng là cả một tập thể đã hết sức tin tưởng lẫn nhau. Gerry Griffin - Giám Đốc chỉ huy sứ mạng Apollo 12 - đã tin tưởng John Aaron, hoãn quyết định huỷ bỏ lại và cho CAPCOM truyền câu lệnh của Aaon đến phi hành đoàn. Phi hành gia Pete Conrad đã kiên cường chờ lệnh của Mission Control dù trong lòng không phải không hốt hoảng, dù bàn tay anh đã đặt trên cần gạt "Huỷ bỏ" trong suốt thời gian khủng hoảng này, dù biết trong giây lát nữa thôi khoảng thời gian vàng để có thể huỷ bỏ chuyến bay có thể vuột qua. Và nhờ trí nhớ của Alan Bean mà sứ mệnh Apollo 12 đã không bị huỷ bỏ. Nhưng mấu chốt của huyền thoại là chính ở John Aaron. Nhờ sự tự học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm, nhờ tinh thần "ăn ngủ cùng sứ mạng", nhờ khả năng phán đoán nhanh và suy nghĩ nhanh của John mà chuyến bay Apollo 12 đã thành công tốt đẹp.

Sau sự kiện đó, câu "SCE to Aux" trở thành câu truyền miệng của các thành viên trong Trung Tâm Chỉ Huy, là tấm gương về năng lực và trách nhiệm cho các thành viên của TTCH và cả cho các thế hệ tiếp theo, và John Aaron trở thành một trong các huyền thoại của NASA.

Hơn 40 năm sau kỷ nguyên Apollo, tôi nhìn lên mặt trăng và biết rằng, con người đã từng đặt chân lên đó, và John Aaron đã từng gọi "Flight, try SCE to Aux"...



(John năm 2006 photo source here)

(Trúc La - tổng hợp và lượt dịch từ internet)

Saturday, 18 September 2010

Viết cho mùa hè ...

(Bài này viết từ hồi còn hè, từ hồi mà mặt trời còn sáng ấm lúc 9 giờ đêm...)

Nhà cửa ở Anh đắt đỏ và chật hẹp, người ta chen chúc nhau mà sống, chen chúc nhau trên đường đi làm mỗi ngày, cạnh tranh nhau cho mỗi một cấp bậc thăng tiến trong công ty,.  Mà đó đã là may mắn, trước đó có bao nhiêu người phải chen chúc cạnh tranh khốc liệt mới có được một chỗ làm.  Ở cái xứ đắt đỏ này, chi một đồng cũng phải đắn đo, khoảng cách gần đi bộ được thì đi bộ, đỡ phải tốn tiền xe, xăng các loại.  Cho nên người ta đi bộ ngày vài dặm là chuyện thường ...  Cuộc sống ở London dường như toàn là nghẹt thở mệt mỏi như vậy mỗi ngày ...

May quá, nhà chật chội thì có được công viên rộng rãi bát ngàn.  Ngồi trong nhà ngột ngạt thì cuối tuần đi chơi công viên.  Có công viên to công viên nhỏ, công viên đẹp, công viên vừa vừa, nhiều khoảng xanh đến ngạc nhiên ...  Không kể các công viên đẹp to nổi tiếng của London như Hyde Park, Regent Park, St James's Park hay Green Park v.v mà thường ở khu trung tâm, người ở ngoài trung tâm phải chịu khó đi xa một chút.  Còn loại vừa vừa thì nhà ai cũng ít nhất ở gần một cái công viên nào đó, hay là một khoảng xanh mượt mà, hay may mắn hơn là ở gần dòng sông Thames lững lờ trôi.  Hồi đó nhà cũ của tôi ở Isle of Dogs (Docklands) cách một cái công viên nhỏ tí nị của "xóm" vài trăm mét, cách bờ sông Thames vài trăm mét, cách một công viên to hơn chừng nửa dặm, trong khoảng cách đi bộ lại có một quả đồi nhỏ tha hồ thả bước lang thang, có một trang trại nhỏ có nuôi heo gà dê cừu ngựa các loại để cho trẻ em thành phố còn biết con dê "ngoài đời" trông nó như thế nào, lại còn được học cưỡi ngựa nữa chứ.  Buổi chiều có thể đi lang thang ra bờ sông chẳng để làm gì, chỉ để nhìn trời ngó đất mơ màng...  Do vậy mà dù cuộc sống có chen chúc cạnh tranh đến nghẹt thở, tâm hồn người ta không dễ bị ngột ngạt mà còn có chỗ bay cao ...

Cho nên người Anh thích đi dạo biết chừng nào.  Tôi bây giờ cũng vậy.  Hồi lúc mới sang tôi còn sợ lạnh, cả mùa đông ru rú ở trong nhà, không dám mở cửa sổ.  Bạn tôi không như vậy, bắt tôi cùng ra ngoài đi dạo, chạy nhảy tưng tưng, hít thở khí trời tươi mát.  Buổi sáng thức dậy dù trời lạnh dưới không cũng nhất định phải mở cửa sổ ít lâu cho không khí tươi sạch vào nhà.  Dần dần tôi cảm nhận được vẻ đẹp của mùa đông, cảm nhận được cái hay của bốn mùa, cảm nhận được bốn bức tường nhà nhỏ hẹp biết chừng nào.  Cơ thể tôi bắt đầu đòi hỏi nhiều thứ, ví dụ như phải nhìn hoa đào nở dọc con đường đó đó lúc mùa xuân, ngắm tuyết rơi ngay chỗ đó lúc mùa đông, canh me khoảng lúc đó hoa huệ tây tím nở để đi xem, hay đi bộ dọc bờ sông Thames lúc trời mưa lất phất, lâu lâu đem đậu phộng cho sóc ăn trong công viên, đem bánh mì cho vịt ngỗng chim dọc bờ hồ, mùa hè thì phải đi picnic lúc chiều tà khi mà mặt trời còn lâu (chín giờ tối) mới lặn, lâu đi xem triễn lãm nghệ thuật bảo tàng này nọ (đều miễn phí), ngồi bệt trên bãi cỏ xem hoà nhạc miễn phí mùa hè   ...  Đại khái là có nhiều cái cớ để thấy mình lãng mạn và cuộc sống tươi đẹp hơn những chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày.

Cho nên cuối cùng tôi hiểu vì sao mà cuộc sống ở London nghẹt thở và vội vã như vậy mà nhiều người vẫn thấy mình lãng mạn (tôi đây chẳng hạn!), vẫn cảm thấy hạnh phúc và yêu quý nơi này.  Cho dù người ta có càm ràm là thời tiết thật kinh khủng xám xịt mỗi ngày, bạn có tin không, nhiều người tìm thấy trong sắc màu xám xịt mùa đông của Anh một sắc màu ấm áp của hạnh phúc.  Vì nơi đó là nhà, là quê hương, là những gì thân thương quen thuộc mỗi ngày.  Một cô đồng nghiệp người Anh của tôi bảo, cô chẳng thể nào sống được ở những nơi không có bốn mùa, không có mùa đông của nước Anh cuộc sống chẳng còn cái chi thi vị nữa (?!).  Sau nhiều năm tôi mới dần dần cảm nhận được điều này.  Suốt mùa hè người ta ra sức đi chơi vì sợ hãi rằng mùa hè sẽ chóng qua lắm.  Suốt mùa đông dài người ta ngóng chờ mùa hè, chờ mãi, chờ mãi...

Mà, không phải chờ đợi là hạnh phúc sao?  Ba tôi nói với tôi câu này khi đợi hàng giờ liền để đón tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất một ngày nào đó của vài năm trước.  Mùa đông nước Anh đã dạy cho tôi điều này: mùa hè là một niềm hạnh phúc, và chờ đợi mùa hè cũng là một niềm hạnh phúc.

Như vậy tóm lại, cuộc đời là hạnh phúc.  Bạn nói, có đúng không?

  Mùa tuyết rơi năm ngoái ở London


Hoa nghệ tây (crocus) thường nở cuối mùa đông -  khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, rất chóng tàn


Hoa mùa hè trên một con đường ở Hampton, thuộc quận Richmond trên sông Thames (Richmond upon Thames) -  phía tây London

Wednesday, 1 September 2010

Trường Thành mùa thu

(Bài đăng báo KTNN tháng 8/2010 - click vào hình để phóng lớn)





Mùa thu đứng trên Trường Thành, ngỡ thời gian quay lại hai ngàn năm trước.  Lá bay xào xạc, ta miên man nghĩ về thiên thu và cuộc đời ... Trường Thành vạn dặm, đã đứng vững qua bao thăng trầm thời gian, phải chăng cuộc đời là một chớp mắt chiêm bao và phù du? 


Như là nhân duyên, ngày tôi đi Trường Thành gần như là ngày mùa thu cuối cùng của Bắc Kinh, ngày 25 tháng 10, chỉ một tuần trước khi một trận tuyết lớn đầu mùa đột ngột kết thúc mùa thu.  Trời còn ấm, lá đã vàng, khách lơ thơ, nhân duyên đủ, cho nên chọn đúng đoạn Trường Thành kém đông, mà hoá ra đẹp nhất (Mutianyu 慕田峪).  Bạn có đi thì tránh xa đoạn Badaling (八达岭) nhé, không gì chán bằng chen chúc nhau trên một đoạn Trường Thành đã được tân trang mới lại, còn gì đâu mà tưởng tượng về những ngày xa cũ trên đỉnh núi lồng lộng gió .   


Khó tả lại được cảm giác gió thổi và lá rơi trên Trường Thành, cảm giác bao la của mùa thu, cảm giác hùng vĩ của núi non và đất trời, cảm giác triền miên của vô tận khi mà ta đi mãi, đi mãi cũng không đến điểm dừng.  Trước mắt chỉ có núi non và đất trời bao la, xa xa những tháp canh, ngoằn ngoèo những đoạn thành. 


Bạn hỏi tôi nghĩ gì lúc đó, tôi quả thật không thể tả được. Tôi thấy quân lính của triều đình Tần, Hán, Minh…trên những chòi canh… Các bức tường thành đã được xây dựng từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Thời ấy có nhiều nước nhỏ, họ xây thành để phòng chống lẫn nhau. Đến thời Chiến Quốc, ba nước phía bắc là Yên, Triệu, Tần xây thành để phòng chống người Hung Nô. Đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông ta cho nối liền các bức thành ấy và xây dựng dài thêm, phía đông tới sông Áp Lục, giáp với nước Cao Ly (nay là Triều Tiên), phía tây tới Lâm Thao thuộc tỉnh Cam Túc. Từ đó bức tường có tên là Vạn Lý Trường Thành. Đời Hán lại xây thành dài thêm về phía tây tới tận La Bố Bạc (hồ Lop Nor trên sa mạc Gobi, nay thuộc tỉnh Tân Cương). Trường Thành đời Hán dài nhất trong lịch sử, hơn 10 000 km, nay phần lớn đã đổ nát. Đời Minh có 20 lần sửa chữa và xây mới Trường Thành, kéo dài trong khoảng 200 năm, xây lại bằng gạch đá thật chắc chắn, đó chính là Vạn Lý Trường Thành chúng ta thấy ngày nay, dài 7300 km


Tôi thấy nàng Mạnh Khương (*) đi tìm chồng, đi mãi đi mãi biết bao giờ đi hết được vạn dặm của Trường Thành.  Mạnh Khương Nữ hay Nàng Mạnh Khương (孟姜女) là một nhân vật trong truyện cổ tích dân gian Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành của Trung Quốc. Câu chuyện kể rằng, vào thời Tần Thuỷ Hoàng, ngay trong đêm tân hôn của Mạnh Khương Nữ với tân lang là một thư sinh Giang Nam tên Phạm Hỷ Lương, chồng Mạnh Khương Nữ bị triều đình bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Đến mùa Đông, Mạnh Khương Nữ đan áo cho chồng và đã lặn lội tìm chồng để trao áo. Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin chồng mình bị chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng Mạnh Khương đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước mắt hòa lẫn máu. Tiếng khóc của Mạnh Khương vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình. Nàng an táng cho chồng xong liền nhảy xuống biển Bột Hải tự vẫn. Ngày nay, tại cửa đông Sơn Hải Quan thuộc thành phố Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc, gần Lão Long Đầu là nơi Trường Thành nhô ra biển, có miếu thờ Mạnh Khương Nữ.













Và tôi thấy mình trôi đi trong miên man miên man những hoài niệm hay tưởng tượng xưa cũ, về những bao la của cuộc đời, khi mà ngàn năm người người về trong cát bụi, còn lại đoạn Trường Thành tiếu ngạo cùng thời gian... 

Một ít mưa bụi rơi nhẹ càng điểm xuyết cho lãng mạn.  Trời như mờ sương.  Thành cao cao chen ít lá vàng lá đỏ



Bạn có đi Trường Thành thì chọn mùa thu mà đi nhé.  Đi về nhất định sẽ biết làm thơ...