(Bài đăng báo KTNN tháng 8/2010 - click vào hình để phóng lớn)
Mùa thu đứng trên Trường Thành, ngỡ thời gian quay lại hai ngàn năm trước. Lá bay xào xạc, ta miên man nghĩ về thiên thu và cuộc đời ... Trường Thành vạn dặm, đã đứng vững qua bao thăng trầm thời gian, phải chăng cuộc đời là một chớp mắt chiêm bao và phù du?
Mùa thu đứng trên Trường Thành, ngỡ thời gian quay lại hai ngàn năm trước. Lá bay xào xạc, ta miên man nghĩ về thiên thu và cuộc đời ... Trường Thành vạn dặm, đã đứng vững qua bao thăng trầm thời gian, phải chăng cuộc đời là một chớp mắt chiêm bao và phù du?
Như là nhân duyên, ngày tôi đi Trường Thành gần như là ngày mùa thu cuối cùng của Bắc Kinh, ngày 25 tháng 10, chỉ một tuần trước khi một trận tuyết lớn đầu mùa đột ngột kết thúc mùa thu. Trời còn ấm, lá đã vàng, khách lơ thơ, nhân duyên đủ, cho nên chọn đúng đoạn Trường Thành kém đông, mà hoá ra đẹp nhất (Mutianyu 慕田峪). Bạn có đi thì tránh xa đoạn Badaling (八达岭) nhé, không gì chán bằng chen chúc nhau trên một đoạn Trường Thành đã được tân trang mới lại, còn gì đâu mà tưởng tượng về những ngày xa cũ trên đỉnh núi lồng lộng gió .
Khó tả lại được cảm giác gió thổi và lá rơi trên Trường Thành, cảm giác bao la của mùa thu, cảm giác hùng vĩ của núi non và đất trời, cảm giác triền miên của vô tận khi mà ta đi mãi, đi mãi cũng không đến điểm dừng. Trước mắt chỉ có núi non và đất trời bao la, xa xa những tháp canh, ngoằn ngoèo những đoạn thành.
Bạn hỏi tôi nghĩ gì lúc đó, tôi quả thật không thể tả được. Tôi thấy quân lính của triều đình Tần, Hán, Minh…trên những chòi canh… Các bức tường thành đã được xây dựng từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Thời ấy có nhiều nước nhỏ, họ xây thành để phòng chống lẫn nhau. Đến thời Chiến Quốc, ba nước phía bắc là Yên, Triệu, Tần xây thành để phòng chống người Hung Nô. Đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông ta cho nối liền các bức thành ấy và xây dựng dài thêm, phía đông tới sông Áp Lục, giáp với nước Cao Ly (nay là Triều Tiên), phía tây tới Lâm Thao thuộc tỉnh Cam Túc. Từ đó bức tường có tên là Vạn Lý Trường Thành. Đời Hán lại xây thành dài thêm về phía tây tới tận La Bố Bạc (hồ Lop Nor trên sa mạc Gobi, nay thuộc tỉnh Tân Cương). Trường Thành đời Hán dài nhất trong lịch sử, hơn 10 000 km, nay phần lớn đã đổ nát. Đời Minh có 20 lần sửa chữa và xây mới Trường Thành, kéo dài trong khoảng 200 năm, xây lại bằng gạch đá thật chắc chắn, đó chính là Vạn Lý Trường Thành chúng ta thấy ngày nay, dài 7300 km
Tôi thấy nàng Mạnh Khương (*) đi tìm chồng, đi mãi đi mãi biết bao giờ đi hết được vạn dặm của Trường Thành. Mạnh Khương Nữ hay Nàng Mạnh Khương (孟姜女) là một nhân vật trong truyện cổ tích dân gian Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành của Trung Quốc. Câu chuyện kể rằng, vào thời Tần Thuỷ Hoàng, ngay trong đêm tân hôn của Mạnh Khương Nữ với tân lang là một thư sinh Giang Nam tên Phạm Hỷ Lương, chồng Mạnh Khương Nữ bị triều đình bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Đến mùa Đông, Mạnh Khương Nữ đan áo cho chồng và đã lặn lội tìm chồng để trao áo. Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin chồng mình bị chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng Mạnh Khương đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước mắt hòa lẫn máu. Tiếng khóc của Mạnh Khương vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình. Nàng an táng cho chồng xong liền nhảy xuống biển Bột Hải tự vẫn. Ngày nay, tại cửa đông Sơn Hải Quan thuộc thành phố Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc, gần Lão Long Đầu là nơi Trường Thành nhô ra biển, có miếu thờ Mạnh Khương Nữ.
Và tôi thấy mình trôi đi trong miên man miên man những hoài niệm hay tưởng tượng xưa cũ, về những bao la của cuộc đời, khi mà ngàn năm người người về trong cát bụi, còn lại đoạn Trường Thành tiếu ngạo cùng thời gian...
Một ít mưa bụi rơi nhẹ càng điểm xuyết cho lãng mạn. Trời như mờ sương. Thành cao cao chen ít lá vàng lá đỏ
Bạn có đi Trường Thành thì chọn mùa thu mà đi nhé. Đi về nhất định sẽ biết làm thơ...
No comments:
Post a Comment