Bên này không có sách tiếng Việt, mua sách trên mạng từ các trang web VN ship qua đây thì rất lôi thôi và phiền phức (thương mại điện tử kém?), cho nên chỉ có thể đọc tiếng Anh:
Hai cuốn này đồng tác giả. Tôi mua cuốn bên trái trước. Đọc xong rất xúc động và thương cho những người phụ nữ Afghanistan xấu số, mới cảm thấy số phận mình may mắn biết bao nhiêu. Sau đó sẵn trớn mua luôn cuốn bên phải, đọc xong cảm thấy sợ một số con người. Tất cả những đau khổ bất hạnh, trừ thiên tai, đều có phải là do người gây ra cho người?
Nhật ký Anne Frank tôi đọc lần đầu tiên là ở nhà cô Hai lúc còn nhỏ. Lễ phục sinh năm 2009 tình cờ thấy cuốn sách này bán ở Gallions Reach, bèn mua về đọc lại. Tôi vẫn còn nhớ như in những dòng miêu tả của Anne, chỉ khác là bây giờ đọc bằng tiếng Anh. Cảm xúc vẫn vậy. Lễ phục sinh năm 2007 tôi đi qua Amsterdam có thăm nhà của Anne Frank, giờ đã trở thành viện bảo tàng nhỏ. Tiếc là những bức hình tôi chụp ngôi nhà đó đã bị mất, bạn cứ google sẽ thấy. Kỳ lạ, ngày nhỏ tôi đọc sách, qua những trang miêu tả tôi mường tường ra những bức tường, những căn phòng ... Lớn lên, một ngày nọ, tôi có dịp nhìn tận mắt mình. Dường như những điều ước của tôi đều trở thành sự thật chăng, một lúc nào đó trong cuộc đời? Tôi vẫn còn nhớ ngày hôm đó, sau khi tham quan nhà Anne, tôi ngồi dưới gốc cây nhìn lên tán lá mới nhú ra mấy cái chồi non nhỏ, dường như nghe tiếng chim hót nữa. Lễ phục sinh năm nào cũng vậy, là lúc tôi cảm thấy chỉ qua một đêm mà cây cối đều đâm chồi ra lá xanh non như có phép thần kỳ. Anne ngày xưa lúc trốn tránh, ngày lễ phục sinh nhìn hé hé ra cây ngoài sân có cùng cảm giác như tôi không?
Sau khi đọc cuốn này sẵn trớn tôi mua cuốn Night. Cũng là một đứa bé, nhưng may mắn hơn Anne, cuối cùng nó sống sót ra khỏi được địa ngục ở trại tập trung. Rất mỏng, mà rất, rất "powerful". Ở Czech có một trại tập trung giờ thành viện bảo tàng, tôi tiếc lúc mình đi qua Czech đã không ghé thăm chỗ đó. Một lúc nào đó tôi sẽ sang Ba Lan chỉ để nhìn tận mắt Auschwitz.
Cuốn bên trái cũng là tự truyện của một đứa bé trong nạn diệt chủng Pol Pot, nó cũng may mắn còn sống sót. Tôi tiếc lúc ở Phnom Penh cả tháng đã không đi thăm nhà tù Toul Sleng, giờ trở thành viện bảo tàng. Lúc đó hai người đồng nghiệp không thích "xem đầu lâu xương sọ" nên họ không chịu đi, tôi cũng không dám đi một mình. (Lúc đó ở Cambodia người ta ai cũng nói đi đường nhất là ra khỏi Phnom Penh phải cẩn thận, lớ mớ bọn dữ bắn cho bỏ mạng?! - tay anh chị ở Cambodia có súng hơi bị nhiều. Tôi không biết thực hư tới đâu nhưng mà tình hình là vậy, hồi đó nhỏ ngây thơ lắm, nên 10 giờ đêm cũng không dám lang thang trên đường phố của Phnom Penh nữa).
Cuốn bên phải là cuốn cuối cùng mới đọc gần đây nhất. Đọc xong cảm giác lạ lắm. Lạ và cô đơn. Tôi thấy tác giả viết về Tommy và Kathy mà như viết về mình vậy. Tôi hình dung trong đầu kỳ lạ lắm, Tommy trong truyện có gương mặt của Tommy Franzén - người về nhì trong "So you think you can dance 2010" của BBC One - hình đây (chôm trên mạng):
(Nhân tiện mới nói tôi thích Tommy Franzén lắm!!!)
Hai cuốn này ban đầu mua hồi mùa Giáng Sinh 2008 lúc mới dọn vào căn hộ hiện nay. Thích cuốn bên trái của Gene Kranz quá chừng, lúc về VN năm 2009 tặng bé An cuốn đang có, lúc đó chưa kịp mua mới. Sau đó gần đây mới mua lại cuốn này. Xem thêm về Gene Kranz ở đây . Cuốn bên phải nói về Điệp viên Phạm Xuân An của VN thời chiến tranh. Ông làm việc cho toà soạn báo Time trong suốt bao nhiêu lâu mà đồng nghiệp Mỹ không ai ngờ.
Hai cuốn này đồng tác giả, đều mua sách thải ra của thư viện kế nhà. Trong chung cư của tôi tầng trệt là một cái thư viện to đẹp mới. Ngoài việc mượn sách của thư viện, lâu lâu họ bán ra những cuốn sách cũ để mua vào sách mới. Họ bán rẻ rề 50xu một cuốn sách, mỗi lần thấy thư viện bán sách là tôi rinh về một chồng. Bây giờ trên giá sách còn một mớ chưa kịp đọc. Cuốn bên phải là truyện về Từ Hy Thái Hậu, đọc cũng mềm mại thu hút lắm. Cuốn bên phải, chà, rất là hay, rất là dữ dội. Tôi mang nó theo đọc lúc sang Trung Quốc, rất hợp cảnh hợp tình. Cuốn này không biết có bị cấm ở TQ không? (Đến blogger.com hay facebook mà ở đó còn bị chặn nữa thì sách này nói về cuộc sống thời cách mạng văn hoá Trung Quốc chắc là trong danh sách đen rồi). Thời nào thì người ta cũng phải yêu thôi.
Hai cuốn tiếng Việt. Hiếm hoi. Cuốn bên trái đọc lần đầu tiên ở nhà cô Hai lúc nhỏ. Sau này mua lại ở nhà sách cũ Thị Nghè năm 2006 trước khi tôi đi Anh. Cuốn bên phải mua lúc về VN năm 2008. Rất hay, tôi mong chờ phim ra, nghe đâu còn lâu mới quay xong. Bách Huệ à, trái tim bạn như quả óc chó già cỗi, còn trái tim của Tuyết Hoa trong trắng và thánh thiện bao nhiêu. Cuộc đời dài lâu hay ngắn ngủi, tri kỷ chỉ có một người. Chất thơ sóng sánh trong quyển sách này, có lẽ vì đọc tiếng Việt nên dễ cảm nhận sâu sắc hơn chăng?
Sách còn nhiều nhưng lúc khác kể tiếp vậy. Giữa một rừng sách mênh mông, được đọc một cuốn sách nào đó chính là nhân duyên, cũng như trong biển người mênh mông ta tình cờ được biết một người.
No comments:
Post a Comment