Sunday, 19 September 2010

Triết lý mua sắm

逛商店的修养

Bài đăng báo Kiến Thức Ngày Nay tháng 10/2010

(Dịch từ sách 捷径 của trường Đại Học Ngôn Ngữ Bắc Kinh, quyển 2, chủ biên 朱子仪, sách không đề tác giả cho từng bài cụ thể mà chỉ giới thiệu chung ở lời nói đầu nên tôi không biết tác giả bài này)

Làm chồng gặp phải một vấn đề khó khăn, không phải vấn đề nào khác mà chính là việc đi mua sắm, việc này tôi thật chưa hề tiên liệu đến.

Thật ra cùng với vợ (lúc đó gọi là bạn gái) lúc yêu nhau cũng có cùng đi dạo khu mua sắm. Sau này nghĩ lại mới thấy lúc đó hẹn nhau đi mua sắm cũng giống như đi công viên, đi xem phim vậy, quan trọng không phải là đi đâu, mà là cơ hội để hai người gặp nhau, hoặc cũng có thể gọi là "mượn cớ" vậy. Có trời mới biết nam nữ yêu nhau say đắm thì thường nghĩ ra biết bao nhiêu cái cớ như thế này. Họ thật là thông minh bội phần, có thể gọi cách này là bình mới rượu cũ, biến những việc tầm thường vụn vặt của cuộc sống hàng ngày thành bức tranh lấp lánh màu sắc. Nhưng mà họ cũng thường rất là ngốc nghếch, vì yêu nhau say đắm nên không thấy được đằng sau những cái lấp lánh đó rốt cuộc cũng chỉ là những việc tầm thường.

Kết hôn làm cho các góc độ của cuộc sống hiện ra nguyên hình. Phụ nữ có lẽ do bẩm tính, hoặc có lẽ do vị trí của họ trong gia đình, vẫn giữ y nguyên cái đam mê mua sắm, tuy là lúc này cái mê đắm lúc yêu nhau nay đã nhường chỗ cho cái cân đong đo đếm rất chi là thực tế. Lúc yêu nhau, hầu như mọi người đều quan trọng cái vấn đề "đi dạo", rất ít người bỏ tiền trong túi chỉ chăm chăm mỗi chuyện "đi mua" (trừ mấy người mua dụng cụ gia đình chuẩn bị đám cưới). Kết hôn xong, nhất là những quý bà mê mua sắm, hết 10 người thì có đến năm sáu mỗi khi đi siêu thị cửa hàng thì phải tha về một thứ gì đó, có khi là bộ cánh Tây cho ông chồng mặc lên có dáng điệu phi phàm, có khi chỉ là một cái sạn xúc thức ăn, mấy cái cốc uống cà phê. Dù là như vậy, phụ nữ lúc nghĩ đến việc "đi mua" cái gì đó, lúc nào cũng có cái háo hức thích thú được "đi xem" kèm theo. Tôi thường nghĩ, đàn ông và phụ nữ có cái khác nhau rất lớn, khác nhau xuất hiện lúc bước vào cửa hàng, đàn ông thì chỉ chăm chăm rút tiền ra mua ngay, phụ nữ thì ngược lại, thích thú săm soi đi xem không biết chán, tuy là rốt cuộc cuối cùng cũng mua một cái gì đó. Lấy ví dụ, có một ngày mùa thu trời đẹp mê người, vợ nói "Mình đi mua mấy cái gối lót cho bộ sofa đi anh". Chồng gật gật đầu, thế là họ cùng nhau xuất hành. Cửa hiệu đầu tiên họ bước vào đã có gối lót sofa, xem như cách của ông chồng thì chọn ra vài cái mua là xong. Nhưng mà bà vợ thì không đâu. Vợ bắt đầu từ khu bán gối sofa, tuần tự "đi dạo" dần xuống, hết sức chăm chú kỹ lưỡng, kết quả là ra khỏi cửa hàng, cái gì cũng không mua. Sau đó từng cửa hàng từng cửa hàng một "đi xem" dần, lúc nào cũng chăm chú kỹ lưỡng, cuối cùng - có khi hết nửa ngày, có khi thậm chí hết cả ngày - bèn quay lại của hàng đầu tiên, mua mấy cái gối mà ông chồng đã đề nghị mua từ hồi sớm. Tôi có ông bạn nửa pha trò nửa hậm hực nói: "Tôi mà có lỗi lầm gì là bà ấy liền cho tôi cùng đi ra cửa hàng đầu ngõ mua sắm. Phạm lỗi lớn hả, thì liền đi Vương Phủ Tỉnh (1) mua sắm!"

Tôi so với ông bạn xem ra không đến nỗi nặng nề, có lẽ do tôi kết hôn lâu hơn. Mỗi khi vợ tôi muốn đi mua sắm, tôi liền hân hoan đi cùng nàng. Nhưng mà đến cổng khu mua sắm thì tôi liền bảo vợ "Em cứ vào trong từ từ mà xem nhé, anh ở đây đợi, hút điếu thuốc". Nhiều lúc sau đó tôi liền ngồi ngay xuống bậc thềm, rút ra cuốn sách thủ sẵn trong giỏ rồi từ từ lơ đễnh đọc.

May mà vợ tôi cũng không lấy thế làm phiền, đây thật là phúc đức cho tôi. Từ lúc kết hôn đến giờ, chúng tôi chưa từng vì việc này mà náo động ầm ĩ. Cũng may là bà vợ mê "đi xem" hàng hoá đến lúc quan trọng thì đều để cho tôi quyết, lúc này thì "đi xem" phải nhường bước cho việc "đi mua" - ví dụ như lúc muốn mua tivi, rút hết khoản tiền tiết kiệm ra, túi tiền nặng mà trong lòng cũng nặng. Vợ hiền lành ngẩng đầu nhìn chồng nói: "Anh nói mua cái nào thì mình mua cái ấy". Một cảm giác tự mãn kèm theo trách nhiệm của nam tử hán trỗi dậy, làm cho người ta không dám một chút sơ sẩy, phải chọn lấy một cái tivi thích hợp nhất mà mua - quan trọng như thể toan tính phát động chiến tranh thế giới vậy. Không chỉ vì vấn đề tiền bạc, mà là vì ánh nhìn tin tưởng và đầy nương tựa của vợ yêu.

Vì vậy mà tôi lại nghĩ, làm chồng tại sao không thể tin tưởng báo đáp vợ lại như thế? Tại sao không thể cùng vợ vui vẻ hân hoan "đi dạo" khu mua sắm - một ngày hay nửa ngày có sá gì? Từ cửa hàng này đến cửa hàng nọ, từ quầy này đến quầy kia, từ từ dạo bước qua các hàng hoá la liệt trước mắt, khắt khe thưởng thức, bình phẩm, hay cùng vợ sôi nổi thương lượng thậm chí tranh chấp, cuối cùng tay không bước ra khỏi khu mua sắm, rồi nhìn nhau mà cười.

Đây chính là "triết lý" mua sắm của tôi, vợ chồng tâm đầu hợp ý vì vậy mà càng thêm hiểu nhau, càng thêm tình cảm.
_______________

Chú thích:
1. Vương Phủ Tỉnh là khu mua sắm lớn nhất, nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh).

2 comments:

Anonymous said...

Đạt: sao ta thấy văn phong TQ hơi lạ, hay dùng thành ngữ, cách viết không mộc mạc như văn tiếng việt, ngươi thích truyện của Lý Lan cũng thấy giống vậy hông

Truc said...

Ừa văn phong TQ cũng hơi lạ, phần chắc là cũng tại dịch. Lý Lan toàn viết văn từ tiếng Việt chứ không phải dịch lại, nên khó so sánh. (Lý Lan có viết tiếng Hoa nhưng không đáng kể). Ta thích văn học dịch, thích truyện dịch của Trang Hạ, ngươi có đọc Trang Hạ không? Có lần, luận bàn về ước mơ trong lớp học tiếng Hoa, ta nói với cô rằng ta muốn viết văn bằng tiếng Hoa. Chao ôi ngươi thấy ta có "cuồng" không? Học biết chừng nào mới tiếng Hoa mới xài được như tiếng Anh mà còn đèo bồng ...