Sunday, 28 March 2010

Gene Kranz là ai?

Là người thứ hai mà tôi ngưỡng mộ, sau ba tôi.

Bạn đọc cuốn "Failure is not an option ... " chưa? (tựa dài quá, bạn tự google đi!) - Gene Kranz là tác giả. Hay nổi tiếng hơn, là bộ phim "Apollo 13". Gene Kranz là Flight Director - giám đốc điều hành các chuyến bay vào không gian - của NASA. Trong lòng tôi ông có hào quang của một hoàng tử trong truyện cổ tích. Ông vừa tài giỏi vừa đẹp trai ... (hồi những năm Apollo thập niên 60-70 ấy, bây giờ ông 77 tuổi rồi). Với tôi, ông là một huyền thoại của NASA, chứ không phải các phi hành gia.


(Photo source: this link)

Cũng lạ, hồi tôi nhỏ, tôi không có mấy cái mơ ước "lớn lên sẽ làm nghề gì" như người khác. Hồi 15 tuổi tôi cũng chẳng biết mai mốt làm nghề gì. 18 tuổi, vào học Đại học Ngoại thương là theo phong trào thôi, tại trường này nổi tiếng, khó vô. Ra trường làm cho KPMG tại công ty này nổi tiếng, khó vô! Chứ nếu nói thích, có lẽ tôi thích trường Đại học Xã hội Nhân văn hơn, tôi đã học khoa tiếng Trung của trường này được một tháng rồi mới quyết định chuyển qua Ngoại Thương. Chắc tại hồi đó tôi bị cuốn theo dòng suy nghĩ thiển cận của xã hội hoặc chí ít là của những người chung quanh, ai cũng cho rằng làm kinh tế kinh doanh mới có tương lai, tôi cũng thiển cận nốt. Cũng có lẽ vậy mà tôi cảm thấy 4 năm đại học của mình trôi qua thật tẻ nhạt, bài giảng trên lớp tẻ nhạt, trường lớp tẻ nhạt, ngay cả cái sân trường cũng không có để mà mộng mơ. Nên tôi mơ màng trong cái thế giới của riêng mình, với những lớp tiếng Hoa buổi tối, với những trò "nghệ thuật" nho nhỏ của mình (vẽ, lúc đó tôi vẽ được lắm, bây giờ tôi cũng không tin là ngày xưa mình có thể bỏ mười mấy tiếng đồng hồ cho một bức vẽ bằng viết chì...).

Cũng may KPMG mở ra cho tôi một tầm nhìn khác, cho tôi một cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục của nước ngoài, cho tôi cảm hứng trong công việc mình làm, cho tôi hạnh phúc với những điều mình được học (không phải học vẹt như ngày xưa nữa), cho tôi một nền tảng để ước mơ (lúc đó tôi bắt đầu ước có ngày được đi Anh), để ngày nay tôi ở đây, London, để viết vẩn vơ những cái này. Không phải là ở Anh là hay hơn ở Việt Nam, mà là việc tôi có dịp mở rộng tầm mắt của chính mình, chiêm ngưỡng thế giới, nhận thức chính mình, và bắt đầu biết đặt câu hỏi tại sao hồi tôi 15 hay 18 tuổi lúc tôi ở ngưỡng cửa của cuộc đời, tôi đã không biết chính mình muốn gì, không biết phấn đấu cho ước mơ của mình, và buồn hơn nữa, không biết ngay cả ước mơ! Tôi biết ơn KPMG vì điều này.

Chẳng thể quay lại ngày xưa, chẳng thể trách ai, lỗi tại tôi. Những người cùng trang lứa với tôi họ biết ước mơ, biết phấn đấu, và biết mình muốn gì. Chỉ có tôi là ... chả hiểu tại sao! Nhưng mà tôi cũng không tiếc cái gì. Vì nếu hồi đó tôi học ĐH XHNV thì KPMG đã không tuyển tôi! Chỉ là từ nay, tôi phải biết chính mình muốn gì chứ không muốn để cuộc đời trôi theo ... phong trào nữa.

Quay lại Gene Kranz, lúc qua đây tôi có nhiều thời gian đọc sách hơn, lang thang trên internet nhiều hơn, đi đây đó vơ vẩn thường hơn, xem phim thường hơn, nên có dịp biết về ông, ngưỡng mộ ông. Tôi mua cuốn sách của ông viết, đọc hết toàn bộ các chuyến bay của NASA hồi đó, cả những thành công, những huyền thoại Apollo, cả thảm kịch của Challenger và Columbia, và tự thấy mình bị hấp dẫn mãnh liệt với NASA và vũ trụ. Và tự nhiên có cái mơ ước ngông cuồng là, phải chi thời gian quay trở lại, tôi 15 tuổi, tôi nhất định sẽ học cái gì đó để có thể sau này làm cho Mission Control của NASA, như Gene Kranz. Tất nhiên một triệu người có cùng ước mơ, không phải ai cũng làm được. Nhưng chí ít người ta hạnh phúc khi biết phấn đấu cho ước mơ của mình. Hy vọng em gái tôi từ bây giờ có thật nhiều ước mơ.

Tôi không viển vông, tôi hài lòng với công việc mình đang làm. Nhưng Gene Kranz cho tôi ngưỡng mộ, cho tôi ước mơ, và tôi dám bỏ KPMG để đi Trung Quốc, một chuyến ngắn thôi nhưng là một kinh nghiệm lớn trong đời.

Và tôi thích những mơ ước ngông cuồng của mình...

Bạn đọc "Failure Is Not An Option" đi. Đọc rồi mà không thích ... thì thôi...

Kiến trúc Châu Âu

Tôi là một tín đồ của kiến trúc châu Âu cổ, sừng sững, đường bệ, huy hoàng, cầu kỳ tỉ mỉ, dù lớn dù nhỏ đều đẹp kiểu lâu đài thời trung cổ; khác hẳn kiểu kiến trúc kính và thép nhàm chán của các toà nhà hiện đại. Các toà nhà đã xây từ những năm nảo năm nào mới đẹp làm sao.

Một góc của London - chụp trong những ngày đầu tiên mới đặt chân lên London, tháng 8/2006, lúc đó tôi thấy cái toà nhà nào đẹp cũng dừng lại chụp. Sau này đi đâu trong khu trung tâm cũng thấy đầy kiểu nhà này, quen mắt luôn.



Một trong các College của trường Đại học Cambridge (tháng 12/2006):



La Mã (tôi thích cái tên này hơn là Rome) tháng 11/2006 - một góc phố gần Santa Maria:



Cũng ở Ý - Florence 11/2006 - San Giovanni:



Toà thị chính Munich, Đức - tháng 12/2006:



Leipzig, Đức:



Berlin - thấy chưa, cái toà nhà mới phía sau làm hỏng cái hình:



Prague - Cộng hoà Séc, 12/2006:



Đại lộ Aliados - Porto, Bồ Đào Nha, tháng 2/2007:



Thật ra Bồ Đào Nha có nhiều kiến trúc khác "Bồ" lắm, hay lắm, nhưng nó sẽ chệch đề trong bài này, nên lúc khác bàn thêm vậy.

Còn đây là Madrid, tháng 5/2007



Bruges - quảng trường trung tâm, Bỉ, tháng 10/2007:



Tất nhiên mỗi nước có một vẻ riêng, nhưng mà Châu Âu nhìn chung cổ kính đáng yêu với bề dày lịch sử của nó. Bởi vậy mà bên này lúc mua nhà người ta thích mua nhà "cổ" (period house) hơn là nhà mới xây. Có những ngôi nhà vài trăm tuổi, gọi là "listed house", đẹp ơi là đẹp ...

Ai nói hiện đại là hay chứ?

Cháy, cháy

Một sáng thứ bảy đẹp trời ngủ nướng đến gần 10 giờ mới dậy, mở cửa bước vào phòng khách thì ... tí tách tí tách, cha mẹ ơi, lửa cháy, cháy..., cái ấm điện đang cháy. Nhỏ đến lớn giờ mới thấy tận mắt cháy, chưa đến nỗi cháy nhà, nhưng hồn vía đã lên mây, ngọn lửa xanh đỏ lập loè. Mất mấy giây hoàn hồn xong thì vội vã rút phít cắm rồi dập lửa bằng cái khăn dày. Khói mù trời, chuông báo cháy reo giòn giã. (Lúc nó đang cháy mà chuông báo cháy không reo vì cửa phòng khách đóng kín, mà chuông báo cháy thì ở hành lang thông các phòng. Cửa gỗ dày nặng trịch vừa cách âm tốt, cách khói luôn và nên người ngủ không nghe tiếng tí tách, chuông báo cháy cũng không biết nốt). Hệ thống điện thì nó đã tự ngắt. Lúc lửa đã dập rồi mà tôi vẫn chưa hoàn hồn.

Sau khi bình tĩnh lại tôi bèn gọi điện thoại cho đại lý thuê nhà để báo cáo tình hình, nhưng mà họ không làm việc ngày thứ bảy, nên thôi thứ hai báo vậy. Hồi lâu tôi mới nhớ ra là phải chụp hình để còn bằng chứng cho họ đòi tiền bảo hiểm. Tôi bèn lật hồ sơ nhà ra xem cái vụ này có được bảo hiểm không, thì thấy cái "kitchen worktop" (bề mặt khu làm bếp) thuộc về "fixtures and fittings" (phần thiết bị lắp bên trong nhà), trong phạm vi bảo hiểm chung cho cả toà nhà. Bèn an tâm một chút, vì nếu cháy cái gì khác không thuộc toà nhà thì chắc tôi lãnh đủ rồi, vì tôi mới thấy cái thư nhắc nhở đã hết thời hạn bảo hiểm phần tài sản bên trong nhà gởi cho tôi mấy tuần trước. (Phần lớn tài sản bên trong nhà thuộc về ông chủ nhà, nên ổng phải mua bảo hiểm, không phải tôi).

Phần còn lại của cái ấm sau khi đã dập lửa:







Sau khi đợi cái đám này nguội lau chùi hết hai tiếng đồng hồ thì phát hiện ra bề mặt cái khu bếp đã bị hư hại (đương nhiên không tính cái ấm rẻ tiền):



Coi như còn hên chán. May mà không có cái gì dễ cháy để gần cái ấm điện, nên tự nó cháy nó mình ên. Trời ơi nếu mà gần cái rèm vải hay gì đó thì không biết sẽ ra sao. Cũng may cái ấm để meo ra ngoài một chút nên nó không cháy lan đến cái kệ bếp phía trên.

Đại lý cho thuê nhà xem hình xong, mấy tuần sau bảo tôi đợi họ gởi cho tôi cái bao bì để tôi cho cái ấm cháy vào rồi gởi đi đâu đó, đến giờ vẫn chưa thấy cái bao bì đâu. May là tôi còn lưu lại cái ấm cháy. Nhân cái ấm cháy, tôi chợt nhớ đến tác phẩm "Cái ấm đất" của Khái Hưng mà tôi đọc ở tủ sách nhà Nội ngày còn bé. (Tôi có nhớ lầm chăng?). Tủ sách nhà Nội (và nhà tôi) đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi suốt quãng thời thơ ấu đến niên thiếu. Hôm nào tôi sẽ viết riêng một bài về các tủ sách này.

Thật là hú vía cái ấm cháy.

Saturday, 27 March 2010

Đường về nào có xa

Mỗi ngày tôi đi làm trừ lúc đi xe lửa, quãng đường lội bộ từ nhà đến bến + từ bến đến công ty chẵn 1 mile (1.6km). Vị chi đi về ngày hai bận là 2 dặm. Ở VN chắc không ai đi bộ nhiều vậy. Thật ra tôi có thể chọn tuyến tàu điện ngầm bến gần công ty hơn, tổng thời gian thì cũng vậy, nhưng phải đổi tàu, phiền lắm, rồi phải chen chúc như cá hộp mỗi ngày, tôi chán lắm. Tôi bèn chọn tuyến xe lửa đi nhanh hơn. Nhưng lội bộ khờ me. Mỗi ngày đi xe lửa có 15 phút đi, 15 phút về, vậy mà mỗi tháng phải tốn £142 tiền vé. Bạn thấy London có đắt ghê người chưa?

Lần đầu tiên tôi lội bộ quãng đường này, lúc đến công ty tôi rụng rời chân cẳng, mồ hôi mẹ mồ hôi con nhỏ giọt trong mùa đông. Từ từ rồi cũng quen, tôi đi bộ cật lực như người London, thoắt cái ... 25 phút sau là đến! Được cái con đường tôi đi bộ là khu trung tâm danh giá của London, đi qua bao nhiêu là kiến trúc đẹp. Một ngày nọ trời nắng đẹp, tôi mang theo máy chụp hình, chiều về sớm, mùa xuân trời còn chưa tối lắm, tôi nháy một vài phát. Đây là toà nhà nơi tôi làm việc, công ty thì có nhiều văn phòng rải rác khắp thành phố. Tôi không thích kiểu kiến trúc hiện đại sau này với kính và thép:




Toà nhà toạ lạc ở số 10 đường Gresham, bạn tôi đùa bảo có ai hỏi thì nói tôi làm việc trong Corporate Treasury ở "Number 10" (tôi làm trong Corporate Treasury của công ty tôi thật, còn ở đây nói "Number 10" thì người ta hiểu là No. 10 Downing Street - phủ Thủ Tướng - chứ không phải No. 10 Gresham!!!). Nghe có "oai" không?

Cách công ty vài bước là một quảng trường nhỏ, nơi tọa lạc toà thị chính Guildhall của "City of London" (London có 2 "thành phố", là City of London và City of Westminster, thật ra nay trở thành một trong các "quận" của London). Toà thị chính đẹp như một lâu đài nhỏ vậy:







Trên đường về tôi đi ngang qua







Mùa xuân sắp đến, hoa bắt đầu tưng bừng nở:



Thủy tiên vàng (daffodil) năm nay nở trễ cả tháng sau một mùa đông lạnh bất thường, mọi năm cuối tháng hai đã rộ:



Hết đường Gresham, quẹo qua đường Princes







Hết đường Princes là đến trạm xe điện ngầm Bank - khu này tên Bank vì Bank of England và các ngân hàng lớn đều tập trung quanh đây:









Từ Bank rẽ vào đường Lombard:







Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ... không ở đó (mắc lắm...)

Hết con đường nhỏ Lombard thì đến đường Fenchurch. Hơn nửa đường rồi. Đi mãi, đi mãi theo đường Fenchurch, chừng nào thấy quả dưa chuột muối ("The Gherkin" - biểu tượng của London - nhìn qua cái ngõ nhỏ) thì là gần tới rồi đó.



Kiến trúc hiện đại dù có đẹp đến đâu cũng không thể so được với kiến trúc cổ của châu Âu. Tôi yêu London cũng là vì những toà nhà kiểu cổ đó.

Cuối cùng đã đến bến xe lửa đường Fenchurch:



Trước khi lên tàu nhặt một tờ tin tức buổi tối Evening Standard - ở London được đọc báo miễn phí, buổi sáng là tờ Metro, buổi chiều tối là Evening Standard:



Lên tàu, tàu chạy 15 phút là đến, xuống, lội bộ một quãng ngắn là đến nhà. Ôi home sweet home...

Thấy chưa, đường về nào có xa ...

Tuesday, 16 March 2010

Nhân sâm

Quả nhân sâm (人参果) trong phim hoặc trong truyện Tề Thiên Đại Thánh miêu tả giống như hình đứa con nít (hài nhi), lúc hái phải dùng cây cù nèo vàng mà khoèo nó, không thì chạm đất nó chui tọt xuống đất. Ăn vào trường thọ, hay thêm mấy trăm tuổi gì đó...


(photo source: http://laiba.tianya.cn/laiba/CommMsgs?cmm=27320&tid=2690882684820428081)

Ngoài đời thiệt ra trông nó như vầy nè:

(photo source:http://www.jqagri.gov.cn/news/UploadFile/200852992433945.jpg)

Trúc đi chợ ở TQ thấy, tò mò mua về:



Bổ ra bên trong vàng ươm hấp dẫn:



Ăn vào lãng xẹt lạt nhách, ăn một lần là đủ, có trường thọ cũng không thèm. (Mà mắc lắm chứ bộ, mắc hơn nho gấp mấy lần!)

Văn học thiệt là quá đáng, có khoa trương cũng vừa vừa chứ ...