Wednesday, 9 September 2009

Bố Già

Nên nói một chút về quyển sách Bố Già (The Godfather) của Mario Puzo. Quyển sách này tôi yêu thích nhất đã từ lâu lắm và mãi cho đến nay.

Vì sao yêu thích nhỉ? Có một tờ báo bình luận như thế này: "Có rất nhiều máu chảy trong "Bố Già", nhưng nó dường như lại bao phủ lên giới giang hồ một màu sắc lãng mạn nào đó (trích lời giới thiệu). Chẳng lẽ vì thế sao? Không biết.

Năm tôi 10 tuổi hay 11 tuổi gì đó lúc còn ở Thủ Đức trong một ngôi nhà nhỏ trên dốc đồi, mẹ bệnh. Một lần chú Út sang thăm mang theo hai cuốn sách to cho tôi đọc để đỡ buồn trong lúc mọi người (hàng xóm) lăng xăng quanh mẹ. Cả hai cuốn đều là tiểu thuyết chẳng phải cho trẻ em 10 tuổi, nhưng có hề gì. Tôi đọc ngốn ngấu (lúc nào cũng vậy, tôi ghiền sách và đọc nhanh như chớp). Một cuốn tên gì quên mất (còn nhớ rất rõ nội dung) và một cuốn là "Bố Già".

Thế là "Bố Già" đi theo tôi qua thời niên thiếu. "Bố Già" đi khỏi cái nhà ở Thủ Đức lúc nó bị bán và đi về cái nhà nhỏ ở Thị Nghè. Mỗi mùa hè tôi lên Sài Gòn chơi với ba và đương nhiên sẽ đọc lại "Bố Già" không dưới vài lần. Cho đến 18 tuổi tôi chính thức lên Sài Gòn và "Bố Già" cũng còn đó trên kệ sách, cũ hơn, bìa hơi quăn queo, giấy hơi vàng, nhưng vẫn hay chán để đọc đi đọc lại nhiều lần.

Rồi tôi đi Anh, rồi nhà và kệ sách không còn. Bố Già không biết có đi về nhà Nội hay bị bán ve chai (tôi quên hỏi ba)? Tôi tiếc lắm. Tôi bèn đọc "Bố Già" online. Mất hẳn cái thú vị giở từng trang sách nhẩn nha từng dòng chữ. Tuy vậy tôi cũng đọc một mạch đến 5 giờ sáng (tật xấu hễ đọc là không dừng được).

"Bố Già" là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời đọc sách của tôi. Mỗi lần dời đi nơi đâu tôi đều tiếc không thể mang kệ sách đi cùng. Tôi đang ở nhà thuê nên không dám có nhiều sách, chỉ có vài mươi cuốn sách trên cái kệ nho nhỏ. Mà lúc nào tôi cũng nhớ thời thơ ấu tôi được đọc bao nhiêu là sách hay, ở nhà mình, nhà Nội. Những cuốn sách đọc lúc thời thơ ấu thường ghi dấu ấn rõ nét hơn trong trí nhớ tôi.

Tôi thầm cảm ơn chú Út nhiều lần về "Bố Già".

1 comment:

Truc said...

Đã nhớ lại quyển sách thứ hai của chú Út, là quyển Tình sử Angelique, quyển Angelique và quốc vương Ả Rập.