Tuesday, 15 February 2011

Hôn bao nhiêu cái cho vừa?


Tức là hôn một cái, hai cái, ba cái hay bốn cái?  Hay là không hôn, chỉ ôm thôi?  Hay không ôm, chỉ cười "hi" thôi?
 
Ở Việt Nam, tôi không làm gì cả, tôi cười một cái là xong.

Ở đây, tôi phải suy nghĩ cẩn thận xem là làm như thế nào cho phải phép. 

Ví dụ như tôi gặp bạn William người Trung Quốc thì không cần làm gì cả, toét miệng ra cười hello là được.  Bạn Christina cũng người Trung Quốc thì sẽ ôm hờ tôi một cái cho có lệ, vai chưa chạm kịp nhau,  tay vỗ vỗ vai tôi hai cái thì giựt ra (bạn không phải là bạn "hờ", bạn chỉ có thói quen chào "hờ" vậy thôi).  Bạn Jungmin người Hàn Quốc sẽ ôm tôi ân cần.  Bạn Alberto người Tây Ban Nha sẽ chìa má ra, hai cái.  Bạn Ấn Độ/Pakistan thì dè dặt hơn, nhưng cũng tùy, tôi phải nhớ ví dụ như bạn này thì sẽ hôn mà bạn kia thì chỉ cần cười.  Cô đồng nghiệp người Slovakia sẽ  "mwah, mwah" 4 cái lúc chào nhau ra về sau khi uống vài ly sau giờ làm việc.  (Lúc đầu tôi không biết cứ tưởng mỗi lần cô uống say cô trở nên nồng nhiệt như thế (!), sau này tôi mới biết hóa ra không phải.  Đó chỉ là quy tắc xã giao của cô).  Còn Florence người Kenya sẽ tùy hứng lúc ôm lúc hôn.  Sếp thì sẽ "peck" một cái "on the cheek" trong các dịp đặc biệt như Giáng Sinh chẳng hạn. 

Tóm lại là trong đầu tôi có một cái danh sánh nghi thức chào hỏi như thế cho từng người. Mỗi lần gặp ai chỉ cần nhớ là lần trước mình làm sao thì lần này làm y vậy. Nhưng cũng phải tùy thời điểm, ví dụ như đồng nghiệp gặp nhau mỗi ngày chỉ cần hello và goodbye là xong. Nhưng cũng là đồng nghiệp nếu như dịp gì đó đặc biệt đi ăn uống xong nói chuyện thân thiết thì lúc ra về sẽ chào nhau hôn lên má - một cái hay hai cái còn tùy.  Có khi tôi đãng trí quên là khung cảnh này người này thì chỉ cần hôn một cái lúc ra về, tôi bèn hôn hai cái, cái thứ hai người ta đã giựt ra làm tôi "lỡ nhịp" thật buồn cười ... Có khi tôi cũng bối rối chả biết là có nên chìa má hay không, tôi bèn đứng ấm ớ ... Mà giữa một người nam và người nữ, phụ nữ phải là người chủ động chìa má ra trước.  Nếu mà tôi không chủ động người ta sẽ không "peck" nhưng sẽ thắc mắc trong đầu tại sao kỳ thế, và tự nhiên cả hai sẽ trở nên lúng túng ngượng nghịu kỳ kỳ.

Nhưng mà gặp người tôi đã thân đã "nhớ" cách chào nhau thì còn dễ.  Gặp một người quen nhưng mà không thân lắm, cũng không sơ lắm đến mức chỉ đứng đực ra nhìn, làm thế nào?  Ôm hay không ôm?  Hôn hay không hôn?  Một cái hay hai cái?  May là tôi còn chưa gặp ai hôn ba cái cả.  (Bốn cái là hiếm).  Đôi lúc người ta chuẩn bị nói lời chia tay thì tôi lơ đãng nghĩ đến việc hôn hay không hôn, thật buồn cười.

Ngoài ra hôn còn có hôn thật hay là hôn gió.  Hôn thật là môi chạm má (peck on the cheek).  Hôn gió (air kissing) là má chạm má, hôn... không khí.  Trong vòng vài giây lúc người ta nghiêng qua tôi phải phán đoán thần tốc là ta nên hôn thật hay hôn gió.  Bạn cho đi cái hôn thật mà bạn nhận lại cái hôn gió bạn sẽ cho rằng người ta kém thật lòng.  Cũng như nhận cái ôm hờ hững đôi khi tôi hơi chau mày.  Nhưng hoàn cảnh xã giao khách sáo nên hôn gió mà ta hôn thật thì cũng hơi buồn cười.

Tôi cứ tưởng là tại mình không quen với kiểu cách bên này nên hay lúng túng như thế. Nhưng mà BBC làm hẳn một bài thanh minh rằng đến người Anh còn chả biết đường nào mà lần nữa là. Đây, Pecking order - unspoken dilemma dividing Britain. 

Ai bảo hôn là dễ?

3 comments:

Anonymous said...

Doc thu vi ghe!!! (Quyen)

Truc said...

Đôi khi chung quanh mình có nhiều cái ngộ nghĩnh đáng yêu mà mình tối ngày quay cuồng cơm áo gạo tiền không để ý ... ghi lại đây vài dòng cho vui ... cho mai mốt thế hệ sau (!) biết mình hài hước yêu đời thế nào ...

lara said...

hahahahh.....hahah exactly the same what i am thinking, and doing....nhat la doan T noi" nguoi ta chuan bi chia tay thi minh da lo dang nghi toi chuyen om hay kg om, hon hay kg hon roi", that buon cuoi, nhung its true, very complicated and very headache indeed :)
BaoAnh