Trang Hạ viết thế này:
"Mỗi vết sẹo trên cơ thể là một lần đau đớn, không người cha người mẹ nào lại muốn nuôi lớn lên để con mình lại thành một người chi chít vết thương ngoài da, thậm chí tàn tật. Thế nhưng lại rất nhiều người lớn lên lành lặn song đầy sẹo trong tâm hồn, và ứng xử như một người tàn tật về tình cảm.
Tôi nghĩ bạo lực gia đình là cách mà những vết thương trong tâm hồn di truyền từ thế hệ ông bà cha mẹ tới cho các trẻ em hôm nay, bằng cách này hay cách khác.
Nói một cách dễ hiểu, người Việt Nam có câu “Yêu cho roi cho vọt” để bào chữa những khuynh hướng bạo lực và áp chế trong gia đình đối với trẻ con, mà không chịu thừa nhận rằng, việc đó có bản chất là những đứa trẻ quá khứ đang đánh đập những đứa trẻ hiện tại. Và ta liệu sẽ nghĩ gì khi những đứa trẻ hiện tại rồi sẽ dùng cách đó để đối xử với tương lai?
Có cách nào để trưởng thành không đau đớn không? ..."
________
Xem nguyên bài ở đây
Sunday, 30 May 2010
Sunday, 16 May 2010
Ký túc xá và yếu tố "nước ngoài"
Đây là KTX số 17 của trường đại học Ngôn Ngữ Bắc Kinh:
Ký túc xá này chủ yếu dành cho sinh viên nước ngoài. Yếu tố nước ngoài ở Trung Quốc được khai thác một cách triệt để, cụ thể như việc đầu tiên là giá rất đắt. Thay vì ở trong KTX hai/ba người hợp lại thuê một chung cư hai/ba phòng ngủ ở bên ngoài thì giá không đắt hơn mà lại rộng rãi, có phòng khách, mỗi người một phòng ngủ riêng biệt, không phải ở chung như KTX, mà còn có được căn bếp và các tiện nghi khác (ví dụ như máy giặt, không phải tốn 4 tệ cho một lần giặt như trong KTX).
Ví dụ cho một toà chung cư ở BK là thế này:
Ví dụ cho một toà chung cư ở BK là thế này:
Đi đường ở Bắc Kinh thấy toàn các chung cư đồ sộ như thế này, phục vụ cho triệu triệu con người ở đây. Người đông không thể tưởng được, tôi sống ở London mà qua đây phải nhức đầu với cái sự đông đúc của Bắc Kinh. Chung cư này ở ngay kế trường, khu Wu Dao Kou (五道口), khu nổi tiếng tập trung người nước ngoài sống ở BK, rất nhộn nhịp đông vui, đầy các hàng quán phục vụ cho nhu cầu ăn uống kiểu Tây. Ở đây thì hơi mắc, thuê chung cư đi xa hơn tí thì rẻ hơn.
Đây là cái quán lẩu yêu quí của tôi ở khu Wu Dao Kou - Xiapu Xiapu - mà muốn ăn được không phải dễ: phải xếp hàng lấy số chờ hơn một tiếng đồng hồ: (xem thêm bài này)
Quay lại chuyện cái KTX, ngoài tiền ở đắt, còn phải trả thêm tiền internet cũng đắt, đắt hơn cho sinh viên Trung Quốc rất nhiều. Bù lại, KTX này mới nhất, đẹp đẽ sạch sẽ nhất trong các KTX của trường, xem nội thất ở đây. Các cô phục vụ lau dọn phòng hàng ngày và tiếp viên ở sảnh cũng dễ thương niềm nở hơn ở các KTX khác nhiều. Hôm nọ, lúc mới đến chưa có internet, tôi ngồi dưới sảnh tiếp tân dùng wireless, thì bỗng có hai sinh viên nam người TQ nói huyên thuyên ầm ĩ với nhau, tôi chưa kịp bực bội việc bị làm phiền thì một người bỗng .... nhổ toẹt một bãi nước bọt (!!!???) xuống cái sảnh lót gạch hoa sáng bóng sạch sẽ của phòng tiếp tân, rồi tỉnh bơ nói chuyện tiếp. Tôi hãi quá, ôm laptop chạy một mạch về phòng, nghỉ lướt net luôn. Chuyện cánh đàn ông Trung Quốc "văng miểng" bừa bãi ngoài đường là chuyện thấy hàng ngày, mà mãi tôi không thể quen mắt được, còn việc chơi ngay vào cái sảnh tiếp tân đẹp đẽ của cái ký túc xá CỦA TÔI thì ... (bà đây căm lắm mà làm được gì nào!)
Trước sân KTX - tuyết đầu mùa - là tuyết nhân tạo (lúc thời tiết thích hợp chính phủ TQ bơm hoá chất vào mây tạo tuyết để chống hạn hán)
Con đường cạnh KTX, cuối đường có cái chợ nhỏ, có quán bán dumplings truyền thống và xiú mại ngon hết sảy, rẻ rề, chỉ có điều là điều kiện vệ sinh có vẻ đáng ngờ lắm. Kệ, tôi sinh viên, ăn đại (!).
Ôi, mùa đông Trung Quốc, tôi nhớ các món lẩu nghi ngút khói ấm áp trong mùa đông, chấm một miếng rau thịt nóng vào bát tương đậu phộng, vừa ăn vừa hít hà ... mùa đông mới ấm làm sao!
Sunday, 2 May 2010
Ở Trung Quốc người ta đông đến mức nào?
Mùa thu rồi ngày hăm ba (ơ không phải, ngày 24 … tháng 10), một ngày thứ bảy lúc còn ở Bắc Kinh, tôi quyết định làm một chuyến leo núi Hương Sơn (香山). Hương Sơn là một công viên rộng 160 hecta, đỉnh núi cao nhất khoảng 557m, chỉ cách Bắc Kinh 20km. Đây là trang web chính của Hương Sơn, có tiếng Anh http://www.xiangshanpark.com.cn/ . Hương Sơn nằm về phía tây bắc của Bắc Kinh, trường tôi cũng nằm mé phía tây bắc, nên đi rất tiện. (Bắc Kinh rộng mênh mông, đi từ Đông sang Tây xa lắc, không có xe đi bằng phương tiện công cộng hơi mệt).
Tôi đi Hương Sơn không phải vì thích leo núi, mà là vì để chiêm ngưỡng mùa thu của Bắc Kinh, để ngắm lá đỏ lá vàng nức tiếng của Hương Sơn mà tivi, báo đài, các trang web du lịch đều quảng bá. Ngay cả cô bạn của tôi người Bắc Kinh chính hiệu đang ở London còn say sưa thao thao bất tuyệt về cảnh lãng mạn xinh đẹp của “ngọn núi thơm” này, thì sai làm sao được? Bằng chứng rành rành đây, trên mạng:
Trên đường đi Trường Thành, tôi đọc thấy trên trang nhất một tờ báo tổ chảng một dòng chữ: “Ngày hôm qua, có 70.000 người leo núi Hương Sơn”.
Tôi đi Hương Sơn không phải vì thích leo núi, mà là vì để chiêm ngưỡng mùa thu của Bắc Kinh, để ngắm lá đỏ lá vàng nức tiếng của Hương Sơn mà tivi, báo đài, các trang web du lịch đều quảng bá. Ngay cả cô bạn của tôi người Bắc Kinh chính hiệu đang ở London còn say sưa thao thao bất tuyệt về cảnh lãng mạn xinh đẹp của “ngọn núi thơm” này, thì sai làm sao được? Bằng chứng rành rành đây, trên mạng:
photo source: this link
Thế là tôi hăm hở canh me trên trang web, ngay ngày đầu tiên của lễ hội Lá đỏ (红叶) (mùa lá đỏ chỉ kéo dài có hai tuần thì lá rụng)… thì tôi tức tốc lên đường với hai cô bạn, lòng tràn ngập lãng mạn như thể đi đến ngày hẹn hò đầu tiên hồi mười lăm tuổi.
Ngay lúc khởi hành ở trạm xe buýt tôi đã bắt đầu thấy có nhiều chông gai. Xe buýt sao mà đông quá chừng, đông nghẹt từng chuyến từng chuyến đi ngang mà không lên được, đứng đợi lâu thật lâu, dù xe buýt đã tăng cường nhiều chuyến hơn thường lệ. Tôi nhận ra là ai cũng đi Hương Sơn cả, tôi càng chắc mẩm là Hương Sơn phải đẹp lắm người ta mới nao nức trẩy hội thế này. Sau một quãng đường dài trầy trật, kẹt xe, cuối cùng … chưa đến … vì tắc đường. Xe buýt từ mọi hướng đổ về. Chúng tôi đành phải bỏ xe cuốc bộ một quãng xa hơn cả cây số mới đến được gần chân núi, từ đó đi một quãng dài nữa mới đến cổng để mua vé. Có hai đường để đi lên đỉnh, chúng tôi chọn đại một con đường.
Sau khi mua vé, trầm trồ giá rẻ (bằng 1/6 giá bình thường của các thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh), chúng tôi quyết định lên núi bằng cáp treo, bận xuống đi bộ. Dòng người xếp hàng mua vé cáp treo khiến chúng tôi phát hoảng, vì hàng dài như thế thì phải xếp hàng ít nhất là hai tiếng đồng hồ. Tính tới tính lui bèn không còn cách nào, leo thôi. Leo mất một tiếng đồng hồ (một người địa phương nói). Bé cái nhầm nhé. Thực tế mất 2 tiếng, mệt bỏ xừ, chân cẳng mỏi nhừ, mà tệ hơn nữa là chẳng thấy một cái lá đỏ nào hết, toàn xanh lè:
và toàn thấy người ta. Người ta đông như kiến, đen đặc cả ngọn núi, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như vậy trong đời. Leo núi mà phải nhích từng bước một. Khỏi phải nói cái sự thất vọng trong tôi. Chẳng thấy một mống người phương Tây nào cả. Chắc là chỉ có ba chúng tôi là người nước ngoài dại dột chăng? Mà cũng lạ, công viên rất quá tải, nhưng vé cứ bán ra, người cứ vào.
Lơ thơ có mấy cái lá vàng (tệ hơn lá vàng của cây trong trường tôi):
Người ta thấy cái lá vàng nào cũng thi nhau chụp hình, rồi … vặt . Tôi sợ là họ vặt hết cả lá của Hương Sơn mất. Chen lấn chờ đợi mới chụp được cái hình này:
Bận xuống cũng thê thảm, quá chừng đông người xếp hàng ở cáp treo, chúng tôi hết xí quách nhưng cũng không có cách nào khác là lội bộ xuống thôi. Xuống tới chân núi thì trời đã tối. Cảnh tượng xếp hàng để lên xe buýt cũng không kém thê lương, tôi đứng suốt trên đường về tới nhà. Lúc này tôi càng thấy người Trung Quốc đông đến mức nào.
Cuối cùng tôi kết luận: thứ nhất là nên căn cứ giá vé vào cổng để biết chất lượng, đừng ham rẻ, tiền nào của nấy. Thứ hai: ngay cả người Bắc Kinh còn nhầm, vì hồi xưa Hương Sơn có đẹp có nổi tiếng thật, nhưng đi ngắm cảnh thì nên ngắm cảnh thôi, đừng ngắm người (tức là lựa nơi nào ít người ấy). Ngày nay dân nhập cư đổ về Bắc Kinh quá chừng, họ kinh tế không mấy khá giả, nên chỉ có thể giải trí ở những nơi tương đối rẻ tiền, họ không kham nổi giá vé vào Cố Cung hay Vạn Lý Trường Thành chẳng hạn. Nên có lễ hội gì rẻ tiền hoặc miễn phí là họ ào ào kéo đến. Cho nên đi về tôi nói với cô giáo là không có thấy lá đỏ, chỉ thấy người thôi. Cô bảo, đúng rồi, đừng có nên đi Hương Sơn. Bạn tôi chắc là qua London lâu quá rồi, chỉ nhớ về những ngày xa xưa tươi đẹp mà không biết thực tế của Hương Sơn ngày nay. Thứ ba: dự báo lá đỏ sai bét. Mùa thu năm rồi trời lạnh sớm nên lá không chín vàng không đỏ đúng ngày được. (Một tuần đúng sau khi đi Hương Sơn nhiệt độ tuột xuống dưới không, đổ một trận tuyết lớn đầu mùa).
Ngay ngày hôm sau, tôi đi Vạn Lý Trường Thành, giá vé mắc khủng khiếp, thì quả nhiên toàn dân du lịch nước ngoài là chính, rất vắng vẻ đáng yêu. Cảnh Trường Thành mùa thu đẹp ơi là đẹp, đầy lá vàng (chưa kịp đỏ, thôi cũng đẹp chán). Biết thế chẳng thèm đi Hương Sơn làm chi.
Trên đường đi Trường Thành, tôi đọc thấy trên trang nhất một tờ báo tổ chảng một dòng chữ: “Ngày hôm qua, có 70.000 người leo núi Hương Sơn”.
Saturday, 1 May 2010
Nước Anh và nền ẩm thực hiện đại
Bài đăng trên báo Kiến Thức Ngày Nay số 45. Toà soạn sửa một câu tôi viết thế này: "Và tôi cũng cho rằng CÓ sự khác biệt giữa ẩm thực ở London và các vùng còn lại của nước Anh". Báo đăng thành "Và với tôi ĐÂU CÓ sự khác biệt giữa ẩm thực ở London và các vùng còn lại của nước Anh" (!!!??) Ai đọc báo mà phản đối thì liên hệ toà soạn vậy!
____________
Tôi đã sống ở Anh được 3.5 năm. Vậy tôi biết gì về ẩm thực Anh? Bạn đừng vội bĩu môi rằng thức ăn Anh dở ẹc, có gì mà đáng nói. Thật ra tôi cho là nền ẩm thực hiện đại của Anh khá phức tạp. Và tôi cũng cho rằng có sự khác biệt giữa ẩm thực ở London và các vùng còn lại của nước Anh. Vậy tôi nói về London theo những gì tôi cảm nhận được vậy.
London mang tính quốc tế rất cao (cosmopolitan). Thống kê cho thấy chỉ có chưa đến 70% dân số của London là người da trắng (theo wikipedia). Chưa nói đến trong số 70% đó có một phần là người da trắng nhưng không phải người Anh (tức là đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc ...). Hoặc nếu tính theo quốc tịch thì cũng có cỡ 30% dân số của London không phải sinh ra tại London. Người người đến Anh mang theo nền ẩm thực của mình và "cái lưỡi" (để nếm) của mình. Như vậy đủ biết ẩm thực của Anh mang tính quốc tế như thế nào.
____________
Tôi đã sống ở Anh được 3.5 năm. Vậy tôi biết gì về ẩm thực Anh? Bạn đừng vội bĩu môi rằng thức ăn Anh dở ẹc, có gì mà đáng nói. Thật ra tôi cho là nền ẩm thực hiện đại của Anh khá phức tạp. Và tôi cũng cho rằng có sự khác biệt giữa ẩm thực ở London và các vùng còn lại của nước Anh. Vậy tôi nói về London theo những gì tôi cảm nhận được vậy.
London mang tính quốc tế rất cao (cosmopolitan). Thống kê cho thấy chỉ có chưa đến 70% dân số của London là người da trắng (theo wikipedia). Chưa nói đến trong số 70% đó có một phần là người da trắng nhưng không phải người Anh (tức là đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc ...). Hoặc nếu tính theo quốc tịch thì cũng có cỡ 30% dân số của London không phải sinh ra tại London. Người người đến Anh mang theo nền ẩm thực của mình và "cái lưỡi" (để nếm) của mình. Như vậy đủ biết ẩm thực của Anh mang tính quốc tế như thế nào.
Lemon Sole with Caper and lemon butter sauce – Cá bơn nướng với sốt chanh bơ và nụ bạch hoa. Hình lấy từ blog của Mat Follas – người đoạt giải nhất MasterChef của đài BBC, Anh năm 2009 - http://www.thewildgarlicblog.co.uk.
Ngày xưa tôi sống ở Việt Nam, đại bộ phận là người Việt Nam, số lượng người nước ngoài tại Việt Nam không đáng kể nên không làm ảnh hưởng nhiều đến nền ẩm thực Việt và quan trọng hơn là cách nhìn của tôi về thức ăn Việt Nam. Dù rằng ẩm thực Việt qua mấy trăm/ngàn năm đương nhiên có bị ảnh hưởng của Pháp và Trung Hoa. Nhưng mà tôi lớn lên bằng thức ăn Việt Nam, ngày nào cũng ăn cơm, lễ lộc tết nhất hay gặp gỡ bạn bè đều thích ăn món Việt Nam. Hồi đó tôi làm trong công ty nước ngoài, đi ăn cơm với khách hàng hoặc tiệc tùng công ty không thiếu dịp ăn quán Tây món Tây. Nhưng không có nghĩa là tôi muốn ăn pizza hay nấu spaghetti ở nhà. Tôi cũng không có chút mảy may nghi ngờ là mai mốt sẽ có ngày tôi ăn cơm chỉ có vài ngày trong một tháng.
London mở ra nhiều điều bất ngờ trong mắt tôi. Mặc dù các món ăn truyền thống, rất rất truyền thống của Anh theo tôi không mấy xuất sắc. Tôi cự tuyệt món baked beans (đậu trắng sốt cà chua), black pudding (một loại xúc xích làm từ huyết) và kidney pie (bánh mặn làm từ bò và thận heo) - tôi không thích loại pie nào cả. Sunday roast (món nướng ngày chủ nhật), yorkshire pudding (bánh pudding vùng Yorkshire) hoặc mash potato (khoai tây nghiền) thì tạm được, nếu không ăn fish and chips (cá chiên tẩm bột và khoai tây)trong vài năm tôi cũng không tiếc, english breakfast (thức ăn sáng kiểu Anh) thì còn tuỳ ăn ở đâu, món cừu nướng thì ngoại lệ, tôi khá thích thú. English afternoon tea (uống trà buổi xế) là một truyền thống xuất sắc. Bánh ngọt và các loại tráng miệng, chà, cái này khá phức tạp vấn đề nguồn gốc, vì nếu truy ra ngọn nguồn thì mấy món tôi thích nhất bắt nguồn từ Ý và Pháp chứ không phải Anh.
Ricotta-Stuffed Zucchini Rolls: Bí ngồi cuộn phó mát Ricotta. Hình lấy từ trang web http://www.applepiepatispate.com/ , công thức này của Gordon Ramsey – đầu bếp nổi tiếng của Anh, người sở hữu một trong bốn nhà hàng đẳng cấp 3 sao Michelin trong cả nước.
Mặc dù thức ăn đúng kiểu Anh thì hơi tệ, nhưng không có nghĩa là người Anh ngày nào cũng ăn "tệ" như thế. Năm 2010 UK có được 4 nhà hàng đẳng cấp 3 sao Michelin - đúng là vẫn còn thua xa Pháp (25), Nhật (18), Đức (9), Tây Ban Nha (7), Mỹ (6), Ý (5), nhưng đó là một sự tiến bộ vượt bậc trong nền ẩm thực truyền thống, giờ đây Anh có thể tự hào nằm trong nhóm 7 nước có nền ẩm thực đẳng cấp trong số hơn 200 nước trên thế giới. Không ai dám bĩu môi bảo đến Anh chẳng có gì ngon để ăn, vấn đề là có đủ tiền chi hay không thôi ở cái thành phố đắt đỏ này.
Baked potato skins with gorgonzola, rocket and mustard fruit: Vỏ khoai tây nướng với phó mát gorgonzola, rau rocket và quả mù tạc. Công thức ở http://www.jamieoliver.com/, trang web của Jamie Oliver, đầu bếp nổi tiếng thường xuất hiện trên truyền hình của Anh được rất nhiều người yêu thích. Cho dù thức ăn có đa dạng đến mấy, người Anh vẫn thích ăn khoai tây lắm, họ ăn khoai tây (và bánh mì) nhiều như người Việt ăn cơm vậy
Truyền thống người Anh chỉ ăn món Anh nay đã lui vào dĩ vãng. Cách nấu nướng của người Anh ngày nay đã pha trộn nhiều nền ẩm thực của các nước khác. Đài truyền hình có rất nhiều các chương trình về ẩm thực, không chỉ đơn thuần là dạy nấu ăn mà là các chương trình thi nấu ăn quy mô hẳn hòi và rất sôi động, được rất nhiều người yêu thích. Ví dụ như chương trình MasterChef, Celebrity MasterChef, Come Dine With Me, và vô số các chương trình của Gordon Ramsay, Jamie Oliver, Heston Blumenthal (các đầu bếp người Anh nổi tiếng) ... Những chương trình này đã làm một cuộc cách mạng lên ẩm thực Anh, gợi cảm hứng cho biết bao người nội trợ (tôi là một trong số này). Người người vào bếp, nhà nhà nấu nướng, nấu theo kiểu hiện đại, trình bày tuyệt đẹp, món ăn đầy gia vị thơm ngon (tôi làm theo công thức của họ mà cũng phải tự khen mình). Gia vị dùng từ gừng, xả, nước cốt dừa của châu Á đến cà ri, sa tế,... thậm chí nước mắm (đương nhiên là ngoài các gia vị châu Âu thông thường). Người Anh mang các món Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Thái, Hoa, Ấn ... vào ẩm thực của mình, từng món ăn đều là các vũ điệu đầy màu sắc của nguyên liệu và gia vị. Nhìn các chương trình truyền hình sẽ thấy nào là món cá hồi/cá ngừ sống từ Nhật, món ravioli của Ý, món chicken tikka masala đầy tranh cãi mà cả Anh và Bangladesh đều nhận là của mình (tôi nghi Anh nhận ẩu, vì ăn lâu quá rồi tưởng là của mình), món cà ri Thái, món calamari của Địa Trung Hải. Đó chỉ là số ít các món ăn còn nhìn ra được nguồn gốc, một phần lớn khác ranh giới dường như đã nhạt nhoà. Tôi cứ làm theo các công thức của các website Anh, ăn ngon là được, chẳng cần biết rốt cuộc nó bắt nguồn từ đâu.
Heston Blumenthal – đầu bếp nổi tiếng trong việc áp dụng khoa học/hoá học vào nấu nướng để sáng chế ra các món ăn “quái dị”. Món ăn mới của ông thường ra lò trong phòng thí nghiệm, nhưng chất lượng phải luôn được bảo đảm - ông có một nhà hàng 3 sao Michelin. (hình: http://www.telegraph.co.uk/ )
Người Anh, hoặc chí ít là người London, ngày nay trong vấn đề ăn uống đã cởi mở như vậy đó. Ra ngoài ăn ở hàng quán cũng vậy. Có thể sáng vội vã ăn một ít cereal (ngũ cốc) rồi đi làm, trưa ghé quán mua một hợp sushi đem về văn phòng ăn, tối hẹn nhau ở quán kiểu Tapas của Tây Ban Nha, chủ nhật thì đi ăn Dimsum của quán Tàu ... Vậy đó, tôi bắt đầu thích thú với sự đa dạng đầy màu sắc của ẩm thực hiện đại của Anh. 5kg gạo tôi mua ở chợ Tàu rốt cuộc ăn đến nửa năm. Căn bếp là nơi tôi thí nghiệm và cái lưỡi sẽ nhận "hậu" quả cuối cùng...
Bacon and eggs ice cream: Kem thịt muối và trứng – một trong các món ăn “kỳ cục” của Heston Blumenthal (hình: http://www.telegraph.co.uk )
Vậy đó, tôi muốn minh oan một chút cho nước Anh. Đừng thành kiến, hãy đến đây và cảm nhận tình yêu ẩm thực và sự cố gắng của người Anh. Có thể tôi đến từ châu Á nên vấn đề ăn uống đã cởi mở nhiều so với người Anh truyền thống, có thể nhiều người Anh ngày ngày chỉ ăn khoai tây và đậu trắng sốt cà chua đóng lon (baked beans). Nhưng mà, tôi tin có một cuộc cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ từng ngày, trong từng góc bếp nhỏ ấm áp ở Anh...
(Ghi chú:
1. đây là cảm nhận của riêng tôi, có thể mang tính chủ quan.
2. Ngoài cái sửa chữa "to to" nói trên, toà soạn có sửa chút đỉnh câu cú vài chỗ. Click vào hình để xem nguyên bài đăng trên báo).
Subscribe to:
Posts (Atom)